THƠ BỐN CÂU
(DÒNG THƠ TIẾP NỐI)
Giai thoại Thơ Đường Trung Quốc có kể chuyện “Bốn Câu Là Đủ Ý”: Có một chàng thư sinh trẻ tên Tố Vịnh quê ở Lạc Dương đến Tràng An dự kỳ thi Hội.
Đề thi được ra là “Chung Nam vọng dư tuyết” (dịch nghĩa: Núi Chung Nam ngắm tuyết còn sót lại). Thí sinh phải làm bài thơ năm chữ tả cảnh gồm sáu vần trong mười hai câu.
Tố Vịnh suy nghĩ và trầm ngâm, sau cùng chỉ viết ra bốn câu như sau:
(phiên âm Hán Việt)
Chung Nam âm lĩnh tú
Tích tuyết phù vân đoan
Lâm biểu minh tễ sắc
Thành trung tăng mộ hàn.
(dịch nghĩa)
Đỉnh phía Bắc núi Chung trơ trụi
Mây và tuyết thường đọng lại
Phía ngoài rừng ngày sáng rỡ
Trong thành thì giá buốt hơn.
Viết xong, Tố Vịnh đứng lên nộp bài. Quan chủ khảo xem, ngạc nhiên hỏi: Sao không làm trọn mười hai câu? Tố Vịnh cười nói: “ Khi làm thơ viết văn, đáng đi thì đi, đáng dừng thì dừng. Ý tôi đã hết, há có thể lải nhải viết bừa cho đủ số câu?”
Theo trường qui, với bài thơ thiếu tám câu, Tố Vịnh sẽ bị đánh rớt. Nhưng quan chủ khảo sau khi thấy lạ, đọc kỹ bài thơ thì thấy dù chỉ bốn câu, thí sinh đã tả cảnh rất hay, từ ngọn núi đến rừng cây, từ ngày sáng đến chiều tà qua cái lạnh khi tuyết xuống. Ý thơ toàn vẹn, quả là thơ hay!
Ông cảm kích bèn tâu Vua, đề nghị phá lệ, cho Tố Vịnh đỗ Tiến Sĩ. Việc đó thành một giai thoại trong thi cử ở Trung Hoa. Sau nầy bài thơ của Tố Vịnh được tuyển vào Đường Thi Tam Bách Thủ, thành một kiệc tác được lưu truyền dài lâu.
(theo Hoài Anh/ Giai Thoại Thơ Đường và Tác Giả/ Nhà Xuất bản Văn Nghệ 2002)
“Bốn Câu Là Đủ Ý”, tôi suy nghĩ hoài! Vâng, thì không cần nhiều, chỉ cần bốn câu thôi!
Tôi sẽ đưa ra vài bài bốn câu, không dám cho là Tứ Tuyệt vì dù muốn tạo ngạc nhiên hay gây ra cái mới ở câu cuối vẫn thấy đâu đó ý thơ còn vụng về, luật thơ chưa thể chỉnh như thơ cổ, và việc gây thỏa mãn cho người đọc chắc không thể chu toàn, nên chỉ dám mạo muội gởi đi như sau:
TỨ TUYỆT
Làm thơ viết chỉ bốn câu
Như phòng kín cửa như lầu một căn
Như giày vừa khít bàn chân
Vẫn tròn đủ ý dẫu văn ít lời.
ĐẾM LẠI THỜI GIAN
Chia tay năm ấy bảy mươi lăm
Giờ chừng đã quá bốn mươi năm
Dẫu ngày dài thêm hay ngắn lại
Chờ nhau trăng khuyết tới trăng rằm.
PHÂN NỬA
Cà phê rơi giọt nửa ly
Bước thêm nửa bước thầm thì nửa câu
Tóc xanh bạc nửa mái đầu
Tình yêu xẻ nửa cho đau nửa đời!
MỘT CHÚT THỜI GIAN
Một sát na hạnh phúc
Bằng cả đời hy sinh
Cả đêm nằm thao thức
Chờ sát na bình minh.
TẾT
Phải chi trở lại khi mười tuổi
Áo mới xênh xang chẳng biết buồn
Bây giờ tóc pha màu sương khói
Đón Tết xa nhà nước mắt tuôn!
BỖNG GẶP MÙA XUÂN
Mai vàng chợt nở quanh đây
Dù là hoa giả cũng bày sắc Xuân
Tết như còn lạc bước chân
Mà Xuân vẫn đến theo vần thơ say!
TỰ HỎI LÒNG MÌNH
Sao tình đi lạc mới tìm nhau?
Quên lúc bên nhau thuở ban đầu
Tìm nhau mới biết tình đi mất
Tình đã xa rồi mới biết đau!
NÓN HUẾ
Huế ơi sao có nón bài thơ?
Khuấy động tim ai lúc đợi chờ
Thơ đan trên nón thơ mời gọi
Xa nón rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ!
TẠI MƯA
Mưa làm anh ướt loi ngoi
Làm sao găp được mà đòi gặp em
Mưa làm em ướt lem nhem
Áo em ướt mỏng không thèm gặp anh.
BÊN MỒ MẸ
Ngồi bên mồ Mẹ cỏ còn xanh
Mất Mẹ như dao cắt thân mình
Cỏ đã thay màu nay vàng úa
Vết thương vẫn đỏ mãi không lành.
MỴ CHÂU
Yêu thương đến thác vẫn còn
Dấu lông ngỗng trắng vết son không mờ
Mặc ai dối gạt tình thơ
Thuỷ chung một kiếp đợi chờ ngàn năm!
TRỌNG THUỶ
Tạ tình anh khóc khúc Mỵ Châu
Một nỏ oan khiên mấy gánh sầu
Non nước chưa tàn cơn khói lửa
Anh dìm tình hận đáy giếng sâu!
NHỚ THẦY 1
(tưởng nhớ mà không khóc như lời Thầy Nguyễn Xuân Hoàng dặn)
Ngập ngừng Thu mới ghé qua đây
Lá ngập ngừng rơi tiếc nhớ Thầy
Nửa gánh văn chương chưa thoả chí
Một đời giáo chức đã tròn vai.
NHỚ THẦY 2
Biền biệt xa “Căn Nhà Ngói Đỏ”*
Cô độc như “Người Đi Trên Mây”**
Ai tiếc ai thương xin gởi lại
Thầy đi phủi sạch nợ trần ai!
BUỒN MỘT MÌNH
Đun thêm vài que củi
Cho ngọn lửa bùng lên
Tưởng buồn thành tro bụi
Mà buồn vẫn y nguyên.
NỮ TIẾP VIÊN
Quanh em tràn ngập tiếng cười
Tràn ly bia lạnh ngập mùi đàn ông
Đêm đêm trang điểm má hồng
Soi gương mới biết mình không nụ cười!
CUỐI NĂM
Nhìn tờ lịch cuối sắp rơi
Một năm sắp hết một đời sẽ qua
Lạ thay vẫn nhớ quê nhà
Năm nào cũng vậy cũng ta với mình!
CHÔN THƠ
Thử chôn thơ vào đất
Xem thơ chết được không
Nào ngờ thơ không mất
Mà nở hoa trắng đồng.
HẠNH PHÚC
Cây hạnh phúc lang thang hoài đâu đó
Đôi tay trần tìm mãi chẳng được đâu
Hay hạnh phúc mất đi rồi mới có
Không bây giờ không cả đến ngàn sau!
TRONG MƠ
Nằm mơ thấy Mẹ còn xanh tóc
Tay dắt con đi đến cỗng trường
Xa Mẹ mấy giờ mà con khóc
Giờ xa muôn kiếp mãi còn thương!
BÀ TẮM CHÁU
(kính tặng quý Bà Nội Bà Ngoại)
Hôm nay tắm cháu sạch trơn
Ngạc nhiên thấy cháu dài hơn thường ngày
Áo quần chật chẳng kịp thay
Bà mong cháu lớn lòng đầy niềm vui.
XÍCH LÔ
Người ta hai bánh ngược xuôi
Có người bốn bánh cười tươi bốn mùa
Còn mình ba bánh sớm trưa
Đạp đôi chân mỏi may vừa đủ ăn!
QUẬN BƯỞI
Nghe nói Quận Cam thành Quận Bưởi
Từ ngày thẩm mỹ bước lên ngôi
Vòng một không còn vòng một nữa
Sửa to nên đáng gọi vòng mười!
EVA và ADAM
Cầm tay trái táo ngập ngừng
Nửa như muốn cắn nửa mừng nửa lo
Một bên nhận một bên cho
Adam chìm đắm bên bờ Eva!
TIẾC
(theo Ca Dao Việt Nam)
Thương em anh nối sợi dây dài
Thả đo lòng giếng thử đêm ngày
Đắn đo chưa biết sâu hay cạn
Giếng cạn nên đành tiếc sợi dây!
TẠM NGƯNG
Thơ bốn câu chuyên chở buồn vui
Buồn nghe thơ hát khúc ngậm ngùi
Vui thấy cuộc đời như trẻ lại
Bốn câu ngưng đọng nét son tươi!
* và ** là 2 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
TRẦN KIÊU BẠC