Thursday, July 29, 2010

Biết Vậy Hồi Đó ...

   


  Thanh Dương       
   


     Có những điều trong cuộc sống mình chẳng bao giải thích được. Cũng có những điều trong cuộc đời mình chẳng bao giờ cảm nhận được đến khi mất đi rồi mới thấy cần thiết và thương nhớ.

     Đầu năm học lớp 11, tôi mất đi hai người bạn một cách rất là vô lý. Thu Thủy là người bạn thời thơ ấu của tôi từ lớp ba và lớp bốn trường MĐ. Hai đứa giống nhau, mặt tròn, mắt to, da trắng, tóc dài, cùng một chiều cao. Trong lớp hai đứa chơi với nhau vì hợp tính tình, ít nói và hiền lành. Mỗi buổi đi học về ba của Thủy thường lái chiếc xe GMC đón hai đứa trước cổng trường MĐ. Nhà Thủy ở trên đường Lý Thái Tổ, thật xa, nhà tôi ở ngay nhà thờ Hiếu Đạo. Ba Thủy thường ngừng xe cho tôi xuống và chờ tôi băng qua đường rồi mới lái xe đi. Hết năm lớp 4, tôi chuyển lên trường Trần Quốc Toản cho gần nhà, không hiểu sao Thủy không chuyển trường cùng với tôi. Từ đó hai đứa mất liên lạc. Vẫn biết rằng ở cùng một thành phố, biết nơi nhau ở, muốn gặp nhau lúc nào chỉ việc đi đến nhà nhau, vậy mà hồi đó, chẳng có ai cần đi tìm nhau cả. Chỉ đến sau này, qua cuộc đổi đời rồi mới thấy ân hận là ngày xưa sao mình vô tình qúa.
     Tôi gặp lại Thủy thật tình cờ. Trong một lần đi công tác điều tra dân số ở các vùng xa xôi, không biết Thu Thủy học lớp nào mà cũng đi trong chuyến này. Buổi chiều khi xong việc, mọi người đi ra giếng nước tình cờ hai đứa gặp nhau. Thấy là nhận ra nhau ngay. Mừng thật là mừng. Thủy cho biết vì bệnh nên phải nghỉ học hết một năm và bây giờ Thủy học sau tôi một lớp. Nói chuyện chưa lâu Thu Thủy kể cho tôi nghe là Thủy đã có bạn trai. Anh ấy cũng tên Thủy. Ánh mắt sáng ngời, khuôn mặt rạng rỡ, tôi mừng cho bạn đang có tình yêu. Có ai ngờ đó là lần đầu gặp lại và cũng là lần cuối tôi nói chuyện với bạn.
     Một tuần sau khi đi công tác về, lúc đi học có vài người bạn ở gần nhà Thu Thủy báo cho tôi biết, Thu Thủy đã mất vì bị sốt rét từ kỳ đi công tác vừa rồi và ngày mai sẽ là đám tang Thủy. Thật là hỡi ôi. Sáng hôm sau tôi chạy lên nhà Thủy, đau đớn qưá bạn ơi. Cờ xí giăng đầy, ba mẹ Thủy khóc ròng ôm lấy tôi, “Con ơi, Thủy bỏ hai bác đi rồi, tưởng rằng măng khóc tre ai ngờ tre lại khóc măng!” Không lời nào kể xiết nỗi đau đớn khôn cùng này. Tại sao lại chỉ được gặp bạn một lần thật ngắn ngủi rồi mãi hoài chia xa hở Thủy? Tại sao Thủy lại ra đi khi bạn mới tìm được tình yêu? Thương cho người bạn trai tên Thủy, đau đớn, khóc than bao nhiêu cho nguôi ngoai đi nỗi mất mát này? Thủy ra đi khi vừa mới mười sáu, tuổi trăng tròn, cái tuôỉ đẹp nhất của đời con gái. Tôi vẫn còn rất nhiều câu hỏi để hỏi bạn bù lại khoản thời gian mình mất liên lạc. Sao Thủy nỡ nào ra đi, để lại sự đau khổ tột cùng cho ba mẹ và bạn bẻ? Có những điều mà mình không bao giờ giải thích được và cũng chẳng biết tìm câu trả lời ở đâu.



     Cùng đợt ấy, trong lớp tôi có một người bạn cũng nằm xuống. Đó là Nguyễn Xuân Lý, người bạn mới mà tôi gặp trong lớp mười ở trường cấp ba. Lúc đó lớp chúng tôi là lớp 10B, và Lý đã tự nhận mình là con “bê thứ 38”, vì trong lớp chỉ có 38 người. Vừa mới vào năm học 11B được vài tuần thì cả trường đi công tác. Lý trở về cũng với cơn sốt rét như Thu Thủy và ra đi ở tuổi mười tám. Sau đám tang Thủy tôi đến dự đám tang Lý. Cùng một tuần lễ đi hai cái đám tang của hai bạn, nhìn những người thân gục xuống khóc than tâm hồn tôi tê dại đi. Đầu óc trống rỗng, không nghĩ được gì và cũng không nhìn, không nghe thấy được gì. Quanh quẩn cũng chỉ một câu hỏi mà không có câu trả lời. “Tại sao…?” Mấy mươi năm qua rồi, trong tôi lúc nào cũng nhớ đến Thu Thủy, và hễ nhớ Thủy thì tôi lại nhớ đến Xuân Lý. Chẳng bao giờ quên được tình bạn ngày thơ ấu và cũng không quên được niềm đau mất mát này.
     Thời gian trôi qua, tôi còn trải qua nhiều sự mất mát bất ngờ và không giải thích được. Tôi chỉ biết rằng mình đã bỏ qua quá nhiều cơ hội để nuôi nấng và gìn giữ những tình thân chung quanh. Chỉ đến khi mất đi rồi mới thấy hối hận. Biết vậy hồi đó… Luôn luôn là muộn màng. Luôn luôn là mất mát. Những gì đã qua chẳng bao giờ tôi tìm lại được và trong tôi luôn là niềm tiếc nuối và xót xa.


    Tháng 7 /2010
    Thanh Dương _ PM.

Sunday, July 4, 2010

TKB Buồn Lăn Theo World Cup





 
TRẦN KIÊU BẠC                     
(phong cách Miền Nam)              




Thế là chỉ còn vài trận nữa thôi
Ai vô địch, kệ, Em không cần biết
Thấy trái banh là nhớ anh da diết
Banh lăn tròn theo kỷ niệm đầy vơi

Nhớ lúc xưa em chưa chớm đôi mươi
Mê đá banh ngang bằng mê đi học
Mình đã qua nhiều lần World Cup
Em trốn nhà qua anh ké Tivi 

Cái thời Tivi đen trắng cũ xì
Lâu lâu phải gõ vào mới coi được
Cũng nhờ anh mà em biết được
Và thuộc làu tên cầu thủ tham gia

Biết Brazil thường nhảy điệu Samba
Phục cơn lốc da cam Hoà Lan mạnh bạo
Thương đội Pháp Gà trống Gaulois vũ bão
Thèm đội Đức một thời tiếng cổ xe tăng

Yêu áo sọc trắng xanh Đội Á Căn Đình
Quý các đội Châu Phi ôm màu xanh lá
Cũng nhờ anh, Em có thêm những từ hay lạ
Như “đường banh kẽ chỉ”, “vọt xà ngang”

Cầu thủ bất ngờ “từ dưới đất mọc lên”
Sút cú “ vô lê” mà bị còi “ việt vị”
Em hồi hộp “đường banh trao nhầm địa chỉ” 
Anh hả lòng những “ pha bóng chọc khe”

Đến “bật tường”, “lừa”, “kéo”, “dắt, rê”
Rồi than “bóng qua trong đường tơ kẽ tóc”
Lúc tiếc nuối “ banh ra ngoài cột dọc”
Khi ngẩn ngơ nhìn “ banh liếm xà ngang”

Những quả “ Pénalty”, hay “thẻ đỏ, thẻ vàng”
Vẫn theo em đến hành lang lớp học
Bị mê hoặc một thời với Socrates
Cùng Maradona, “Cậu bé vàng”, hay “Pelé Trắng” Zico 

Daxaép thủ thành số một đội Liên xô
So tài với Dino Zoff nổi danh của Ý
Thêm Platini, quả đá phạt xa đầy mộng mị
Hay đôi chân vàng của Gullit, Van Basten

Em ở trường mà cứ nhớ miên man
Những mái tóc quăn “đánh đầu” tuyệt đẹp
Sau mỗi trận, em ghi ghi chép chép
Rồi đặt tên là “bàn thắng đài trang”

Hay lãng mạn gọi “lộng lẫy một đường banh”
Ghép tên anh tên em vào trong đó
Tên chúng mình đầy khung trời nhung nhớ
Cùng tên những người mình ái mộ từ lâu!
                    
..........

World Cup nầy, mình đã hết gần nhau
Anh đã đi xa, Em SàiGòn khát gió
Em quay quắt nhớ Tivi trắng đen ngày cũ
Dù bây giờ Tivi màu lớn “40 inches”

Em thu mình trong góc nhỏ Tân Bình
Không còn anh, trái banh còn một nửa
Một nửa anh mang đi thành xa xứ
Còn mình em ôm một nửa quê nhà

Coi quả phạt “chạm xà” của cầu thủ Ghana
Em tiếc Châu Phi vuột vòng Tứ kết
Như tiếc anh, nghĩ ngày xưa thêm tiếc
Thời bên nhau cùng World Cup dễ thương

Nam Phi tranh nhau đến cuối đoạn đường
Ai thắng thua em không còn để ý
Không còn anh, cải nhau những điều vô lý
Trái banh lăn, nước mắt cũng lăn dài

Em hát bài “Đừng Xa Em Đêm Nay”
Mong anh biết, “lội ngược dòng” hạnh phúc
Theo banh tròn, em đổi lời ca một chút
Chắc Đức Huy không nỡ trách gì em!

Anh ở đâu, không cạnh em hàng đêm?
Còn nhớ em qua từng pha bóng đẹp?
“Đừng xa em đêm nay”, dù đêm sắp hết
“World Cup xưa còn quanh quẩn đâu đây!” 


 Nỗi buồn sau trận đấu (cầu thủ Gyan, Ghana)


 Argentina (Messi) bị kèm chặc suốt trận tứ kết


TRẦN KIÊU BẠC
(Những ngày gần cuối World Cup Nam Phi 2010)

Saturday, July 3, 2010

Tâm Tình World Cup 2010


   


  PM _ THANH DƯƠNG       

Mạn phép qúy huynh trưởng LTPK ....   



     Mỗi lần có World Cup là Ông Táo nhà tôi được nghỉ phép. Chính phủ Anh tuyên bố là hệ thống kinh tế sẽ bị tê liệt trong khoảng thời gian có World cup thì nhà tôi cũng vậy. Cả tháng trước khi World Cup bắt đầu là Thầy tôi và tôi đã bàn bạc và theo dõi in ra tất cả lịch trình các trận đấu, bàn với nhau về đội này cầu thủ nọ, điện thoại tối ngày chỉ để nói chuyện World Cup và đếm từng ngày cho tới khi khai mạc. Giờ đá banh là tôi không đi ra khỏi nhà và không trả lời điện thoại. Vừa xem vừa lên mạng để đọc những lời bình phẩm, khi nào có cú nào trọng tài thổi không vừa ý hay không hiểu rõ thì điện thoại hỏi Thầy tôi, kết thúc trận đấu rồi thì đoán xa đoán gần về những trận sắp tới vì dù sao tôi đã mang tiếng là “soccer Mom”!:



     Cái vụ mê đá banh này có lẽ có từ trong máu. Là con gái của một người mê đá banh, cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài và ông bầu, từ nhỏ đến lớn tôi thấy chuyện thích chơi đá banh và mê coi đá banh là thường tình. Lúc nhỏ chơi đá banh không giày không vớ bay cả móng chân sứt cả đầu gối xây xát mặt mày chỉ là chuyện nhỏ đối với tôi, dù là nữ nhi ! Tôi lớn lên không nhìn đời qua lăng kính màu hồng màu xanh như những cô gái khác, mà nhìn đời qua vòng tròn của trái banh. Thấy đời toàn vẹn, đầy đặn quá, nhưng rồi tôi cũng bị đá lăn lóc và xoay tròn theo vòng quay của nó.
     Tôi nhớ hoài những chuyện về đá banh ở Pleiku ngày xưa. Hồi đó tỉnh mình có một đội banh rất hay. Ty Thanh Niên thường hay tổ chức những trận đấu giao hữu với đội banh các tỉnh khác hay nước ngoài. Trong đội banh Pleiku có nhiều cầu thủ đẹp trai và đá giỏi nhưng lâu quá rồi nên tôi không nhớ hết tên. Chỉ nhớ một người vì những cú đá ngã bàn đèn tuyệt vời của anh. Đó là anh Tuấn, một cầu thủ được ưa chuộng của Pleiku và của phường Yên Đổ. Bắt đầu năm học lớp mười, trường thường đưa một đội nữ sinh, trong số đó có tôi, đi tặng hoa cho mỗi trận đấu giao hữu. Khi các đoàn nước ngoài đến thì có hơn 20 cô nữ sinh áo dài trắng mang hoa ra tặng trọng tài và cầu thủ. Một hình ảnh rất đẹp mắt mà có lần đã làm cho mấy anh cầu thủ Cuba cảm động và nổi hứng sản “hug” các cô. Những trận giao hữu trong nước thì thường là ba cô đi tặng hoa cho trọng tài và hai thủ quân mà tôi không khi nào vắng mặt. Xong việc bắt tay bắt chân rồi thì bọn tôi được ngồi xem trên khán đài. Suốt mấy năm như vậy tôi đã được thưởng thức tất cả những trận giao đấu của đội banh tỉnh nhà. Khi không còn đi học nữa thì mua vé đi coi nhưng khổ nổi mua vé coi không đã bằng coi cọp. Những buổi chiều cuối tuần có đá banh thì mấy con đường chung quanh sân vận động, đường Quang Trung và đường Yersin, và con đường hẻm nối từ Quang Trung qua Yersin, đầy nghẹt những xe và người. Xe lớn, xe nhỏ, xe cam nhông, xe ba bánh, xe hai bánh... Người ta leo lên mui xe hay đứng trên yên xe Honda, thậm chí leo lên mái nhà và lên cây nữa. Những cây cao chung quanh sân vận động đều có nhiều người đu tòng teng trên đó. Nhiều lần, tôi đã leo lên mui xe lam để coi cùng với một số anh chị thân quen. Vài lần khác tôi cũng có mặt trên mái nhà của một người bạn trong đường hẻm để “coi cọp” các trận cầu. Ôi những kỷ niệm có một không hai về đá banh không bao giờ quên và cũng không tìm thấy được ở nơi nào!
     Khi tiếng còi trọng tài vang lên thì trận đấu bắt đầu. Thật lạ kỳ, khi quả bóng tròn bắt đầu lăn, thì những sinh hoạt như ngừng lại. Mọi người nín thở chăm chú theo dõi đường đi của trái bóng. Những tiếng hò reo vang dội cất lên cùng một lượt khi lọt lưới cũng như khi suýt hụt ra ngoài. Mỗi một trận banh lúc nào cũng giống nhau, 20 người giành giựt một trái banh, chạy qua chạy lại, chạy lên chạy xuống, dữ dằn thì đá nhau chí tử, thúc cùi chỏ, lên đầu gối, đốn giò, chặt cổ mổi khi có dịp, hiền hơn một chút thì xô đẩy, lôi kéo, nắm tay, gác chân, kéo áo, giật quần, mưu kế nữa thì gài việt vị hay gỉả đò té ngã trong khung thành….,nhưng khi xong rồi thì lại bắt tay, vổ vai nhau. Hình ảnh “đẹp” nhất là cởi áo trao đổi cho nhau, lúc đó tha hồ cho các cô các bà ngắm nhìn những thân hình vạm vỡ rắn chắc mà các đấng lang quân chẳng làm sao bì được! Trận đá banh nào cũng làm cho người ta chia phe chia đảng, nhưng khi hết rồi thì lại vui vẻ xuề xòa với nhau. (Xin miển bàn đến những người lợi dụng trận banh để cá độ hay gây gổ nhau.) Cũng bằng tiếng còi của trọng tài, trận đấu chấm dứt, trái bóng ngừng lăn, cuộc sống lại tiếp tục quay cuồng trở lại nhịp điệu cũ. Có món chơi nào có thể qui tụ được số lượng người xem nhiều như vậy và làm cho hầu như cả thế giới theo dõi?
     Từ hồi nào đến giờ tôi không bao giờ bỏ qua World Cup. Có năm những trận đấu được truyền hình vào lúc nửa đêm về sáng, tôi cũng thức cả đêm để coi. Lần World Cup trước, họ chiếu hai trận cùng một giờ, tôi đã mang hai cái TV ra để gần nhau và gắn dây cable để coi cả hai trận một lần. Cứ bốn năm một lần tôi được công khai nghỉ nấu ăn mà có lý do chính đáng. Chồng tôi thấy vợ mê quá cũng mê theo và đồng ý ăn cơm tay cầm trong gần cả tháng trời. Coi đá banh tôi cũng reo hò theo với người tường thuật trong đài truyền hình, nhiều khi con từ ngoài sân chạy vào nói,
     - Mẹ la to quá hàng xóm cũng nghe được tiếng Mẹ!
     - Thì đã sao, mẹ coi đá banh mà.
    Ngày xưa chị em tôi đi coi đá banh, cũng la hét và đã có lần vổ đùi vổ vế người bên cạnh mà không biết! Hôm nọ con tôi có hỏi,
     - Mẹ ơi, có đội banh của nước Việt Nam không?
    Tôi chỉ biết trả lời,
     - Năm này chưa nhưng có thể lần tới sẽ có.

     Mùa Phục sinh thì có tâm tình mùa chay, mùa Giáng sinh thì có tâm tình mùa vọng, mùa đá bóng thì tôi có chút tâm tình World Cup xin chia xẻ. Còn vài trận nữa là hết World Cup năm nay. Tôi sẽ chờ mỗi bốn năm để xem World Cup một lần và cũng sẽ chờ cho đến khi nào Việt Nam có một đội tuyển tham gia với nước người. Có lẽ sẽ tuyệt vời hơn nếu có một vài cầu thũ của Phố Núi thân thương mình!





     PM_ Thanh Dương
     2010 World Cup