KONTUM - Quê Ngoại trong ký ức




KONTUM - Quê Ngoại trong ký ức



Tết qua rồi nhưng hương vị Tết vẫn còn. Nhìn quanh trong nhà, chỗ này vài bình hoa, chỗ kia hộp bánh mức. Chưa kể những chiếc bánh tét bánh chưng, cùng giò chả và dưa món, dưa chua trên bàn.

Món mặn món ngọt nào cũng ngon và nhắc lại cho tôi hương vị Tết từ quê nhà. Bánh ngọt các loại không thiếu gì nhưng tôi luôn nhớ món bánh thuẫn giòn từ tay bà tôi làm những năm xưa.


Quê ngoại của tôi ở Kontum. Đi xe đò từ Pleiku lên Kontum, thấy giòng sông Dakbla và qua cầu là đến nhà Ngoại. Cách nhau khoảng độ năm mươi cây số, một nơi đất đỏ và một nơi đất trắng. Tuổi nhỏ thường được về nhà Ngoại mỗi mùa hè và tết, tôi thích nhất chơi lê la mà áo quần không bị dính đất đỏ và tay chân vẫn sạch sẽ.


Sông Dakbla là con sông chảy ngược. Thay vì chảy xuôi giòng từ Trường Sơn về Biển Đông, sông Dakbla lại chảy về hướng Tây Trường Sơn. Từ nhỏ tôi nghe nói và nhớ đến bây giờ, huyền thoại giòng sông chảy ngược nên gái Kontum rất "ngon lành", họ ám chỉ các cô gái lập gia đình với người có uy quyền tiếng tăm. Sau lưng nhà Ngoại có con đường mòn đi ra bờ sông Dakbla, chị tôi kể buổi trưa thường trốn ngủ trưa ra bờ sông chơi, nhưng tôi chưa bao giờ được đi con đường đó.

Khi xe qua cầu Dakbla và Câu lạc bộ Thanh niên ở đầu cầu tôi biết sắp đi ngang nhà Ngoại, Có khi tài xế ngừng cho chúng tôi xuống ngay trước nhà, nếu không xe quẹo trái đi thẳng ra bến xe và chúng tôi phải đi bộ trở lại nhà ông bà. Chỉ một đoạn đường ngắn nên cũng không mệt mỏi gì.


Nhà Ngoại có cây me thật lớn phía sau vườn. Trên đó thanh long treo lủng lẳng những trái màu đỏ, lớn tròn mập mạp. Cây me của Ngoại thật sai trái, nhiều và ngon ngọt, nhất là me dốt, đến Tết thường có me sống để làm mứt. Trong vườn có cây trứng gà (lekima), khi nhỏ tôi thường bị nghẹn mỗi lần ăn trái này. Và cây chùm ruột, loại trái chua con gái thích nhất. Còn những thứ khác như bơ, vú sữa, mãng cầu, mít, vv... nhưng tôi không nhớ hết. Mỗi lần từ Kontum xuống thăm cháu, ông tôi thường cho thật nhiều trái cây vào giỏ, cột dây chằng chịt chung quanh mang xuống cho chúng tôi.
 
Mỗi sáng Ông thường rang cà phê và cho một ít vào cái máy xay nhỏ. Gọi là máy, nhưng thật ra Ông quay bằng tay. Sau đó Ông rút hộc có cà phê xay nhuyễn cho hết vào túi lọc bằng vài, để vào bình chế nước sôi. Tôi theo bên cạnh ông mỗi buổi sáng, say sưa nhìn ông cho hạt cà phê rang vào bụng máy, rồi năn nỉ Ông cho cầm cái tay quay và ráng gân quay cho nát cà phê. Tôi còn nhỏ nên chẳng xay được gì, Ông cho làm thử rồi Ông phải làm lại. Ngồi bên cạnh xem, mùi cà phê thơm phức đã làm tôi náo nức muốn được thử thức uống này từ khi mới lên bốn, lên năm.

 
Bà tôi ra đi năm tôi mới vào lớp 6, sau khi bà may cho hai bộ áo dài trắng làm quà thi đậu vào trường Nữ Trung Học Pleime. Chiều ba mươi Tết năm ấy, cả nhà đang chuẩn bị giao thừa có tin đưa đến: Ngoại qua đời. Thế là mọi nguời bỏ hết các thứ đi theo xe của cha Lê Thành Ánh, linh mục chánh sở của giáo xứ Hiếu Đạo ngày đó, đi lên Kontum dự đám tang của Ngoại. Và nếu tôi nhớ không lầm thì chính cha LTA làm lễ tang mấy ngày sau.

Các dì tôi kể lại, chiều ba mươi Tết, Ngoại đang ngồi làm bánh thuẫn thì than nhức đầu, Ngoại vào phòng nằm nghỉ và khi các dì vào thăm thấy Ngoại đã ra đi, nhẹ nhàng và yên lặng. Các dì cậu hẵn là đau đớn lắm khi Ngoại ra đi đột ngột như thế.

Tôi mê món bánh thuẫn giòn của Ngoại từ khi còn rất nhỏ. Chiếc bánh hình tròn không ra tròn, dài không ra dài, hèn gì tên là bánh thuẫn. Lúc nhỏ tôi không hề thắc mắc tại sao các món bánh gọi tên này mà không tên nọ. Không biết Ngoại pha bột sao mà miếng bánh giòn tan, cho vào miệng vị bánh ngọt, mùi bánh thơm cùng với độ giòn hoà với nhau, tôi không tài nào quên được chiếc bánh thuẫn từ tay Ngoại.

Hình như chỉ có Ngoại làm bánh thuẫn giòn. Lúc còn bên nhà tôi thấy có bán bánh thuẫn nhưng mềm và cứng chứ không giòn. Một lần mua bánh thuẫn ở chợ về thì hỡi ơi, ăn vào nghẹn cứng cổ. Miếng bánh không giòn, hình như bột đặc quá thì phải. Cho vào miệng không thấy thơm mà nuốt xuống thì nghẹn, phải tìm nước uống cho trôi... Khi xưa Ngoại thường làm bánh thuẫn vào dịp Tết và để vào thùng thiếc đậy nắp kín giữ giòn thật lâu. Ngoại có nhiều con cháu, lần nào Ngoại cũng làm thật nhiều để chia cho các nhà. Tết năm đó, thùng bánh Ngoại làm dở dang, chưa đầy. Sau đám tang Ngoại, cả nhà chia nhau từng miếng bánh, cầm trong tay mà rưng rưng. Ước gì tôi giữ lại được chiếc bánh thuẫn cuối cùng của Ngoại.

Và từ đó đến nay, tôi chưa được ăn lại miếng bánh thuẫn nào giòn ngon như thế.

Tôi thích may vá có lẽ cũng từ Ngoại. Ngoại là thợ may, mỗi khi lên thăm tôi thường theo bên cạnh nhìn Ngoại cắt cắt vẽ vẽ trên vải. Tôi ngồi nhìn say sưa khi Ngoại đạp máy, chiếc máy may Singer bóng loáng trên mặt bàn gỗ nâu vàng. Có khi tôi xin Ngoại cho tôi đạp thử nhưng chưa được lần nào vì còn quá nhỏ, chân chưa đụng đến bàn đạp của máy ! Tôi lăng xăng nhặt nút bóp đưa cho Ngoại đơm vào áo dài, tôi đưa chỉ, tôi đưa kéo... Ngay từ khi đó, trong tôi đã ao ước sau này được làm thợ may như bà để ngày nào cũng được chơi với vải vóc, kim chỉ. Rất tiếc, tôi không có duyên với nghề may, dù tôi được học may đàng hoàng ở tiệm may y phục nam của chú Bình, và được một chị chủ tiệm may chỉ cho may áo dài không lấy tiền, như một món quà chị cho tôi. Thời gian tôi được may nhiều nhất là lúc tôi học may ở tiệm chú Bảy Bi (Bùi Hữu Nghĩa). Đến đó, chú không dạy gì mà khách đến, tôi đo, cắt và may áo chemille, quần tây cho họ, chú Bảy chỉ việc lấy tiền. Sau đó tôi may cho chính mình, gia đình, bạn bè và ca đoàn khi làm văn nghệ múa hát. Có khi tôi nghĩ rằng vì mình không bao giờ cúng Tổ nghề may nên không làm được nghề này chăng?


Kỷ niệm với Ngoại tôi chỉ nhớ chừng đó, có thể còn nhiều hơn nhưng tôi không nhớ đuợc vì tuổi còn quá nhỏ. Chưa kịp lớn thì Ngoại mất. Những năm sau, về lại Kontum thăm mộ bà, thành phố hình như nhỏ hơn trong trí tưởng. Con đường từ bến xe về nhà Ngoại vẫn im lặng dưới ánh nắng ban trưa. Vẫn những tiệm quán lặng lẽ trên con đường Lê Thánh Tôn. Vẫn ngôi nhà gạch mát mẻ cùng vườn cây và giếng nước nhỏ, tôi chơi với các em con cậu con dì, cảm giác thân thuộc luôn hiện hữu khi ở nhà Ngoại. Cũng cây me với những trái thăng long treo trên cao, cũng cây chùm ruột với cành trái đong đưa... nhưng Ngoại không còn nữa. Làm người lớn không thể nào chạy theo níu áo cậu dì gọi Ngoại ơi Ngoại hỡi mãi. Đành im lặng nghe nỗi nhớ thương thấm sâu trong tâm. Đành đợi đến lúc ra nghĩa địa thăm mộ mà rơi nước mắt một mình.



Nhà thờ Tân Hương, Kontum cuối năm 1969 đầu năm 1970.
Trên tháp chuông còn Ngôi Sao Lạ của lễ Noel 25/12/1969
 


http://krongblah.blogspot.com/2013/0...gay-xua-4.html


Một hình ảnh nơi quê Ngoại tôi mang theo với mình. Nhà ông bà tôi ở đường Nguyễn Huệ, sáng chiều nào cả nhà cũng đi nhà thờ. Buổi sáng sớm vài phút trước năm giờ, hay buổi chiều, tiếng người lao xao đi lễ sớm ngoài đường. Đến trước nhà người quen, họ ngừng lại gọi nhau. Tôi rất thích sự thân tình này. Bao nhiêu năm xa rời quê nhà, tôi không quên được hình ảnh từng nhóm người, lớn có nhỏ có, áo dài xỏ vội, vừa đi vừa gài cúc, có người vừa đi vừa búi tóc, không cần trang điểm, mọi người kéo nhau đến nhà thờ Tân Hương tham dự thánh lễ. Nhà thờ Tân Hương nơi hai chị em tôi làm bé gái cầm đuôi áo cưới cho Dì vào khoảng năm tôi lên tám tuổi. Cũng ngôi nhà thờ này sau năm 75, tôi làm phụ dâu cho em Phương, con cậu tôi.

Làm sao tìm lại được tình thân ấy khi cuộc sống hiện đại đưa đẩy con người xa rời dần nếp sống thân tình ngày cũ? Ngày đó, người Kontum sống rất gần gũi nhau. Nhà nhà xem nhau như bà con thân thuộc. Mấy mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhận được tình thân từ những người quen biết bên Ngoại.


Mãi nhớ hoài Kontum, quê Ngoại thân yêu của tôi. Mong sao tôi sẽ được về thăm lại một ngày gần đây.


Tôn Nữ Thanh Dương 
Feb 14, 2014

No comments:

Post a Comment