Saturday, December 31, 2016

CHÀO NĂM MỚI 2017





Hàng năm tại thành phố Pasadena, tiểu bang California có diễn hành ngày đầu năm bằng những xe hoa kết bằng hoa thật. Sau khi diễn hành, người ta cho những chiếc xe hoa đó đậu lại một chỗ và bán vé cho dân chúng vào xem. Lại gần mới nhìn tận mắt công trình của bao nhiêu ngàn người làm tình nguyện. Tất cả hình ảnh trên các xe hoa đều được kết dán bằng những hạt đậu, hạt gạo và hoa lá tươi.

Năm nay họ diễn hành ngày hai tây tháng giêng, nhằm ngày thứ hai nên chúng tôi không thể đi xem. Mời bạn xem vài tấm hình xe hoa năm vừa qua, người đi xem quá đông nên hình chụp không được vừa ý lắm.





 













Xin chúc các bạn một năm mới 2017 an lành và may mắn.


Nguyệt Hạ
Ngày cuối năm 2016

Wednesday, December 14, 2016

NGÀY VUI CỦA CHÁU và ĐẠI GIA ĐÌNH






 

Tháng trước nhà có đám cưới cháu, con trai út của anh lớn. Hai tuần trước ngày cưới các chị chồng bảo tôi, lần này nhà mình phái nữ mang áo dài. Từ năm 2000 đến nay tôi không mặc áo dài, áo cũ thời ấy ngắn ngang đầu gối, bây giờ người ta mặc dài phết đất, lại phải may áo cho hợp thời trang.

Một năm trước cháu cho cả nhà biết sẽ tổ chức khoảng tháng này. Nhà có nhiều đàn bà con gái nên ai cũng lo nhịn ăn và tập thể dục. Hôm thử áo, sau mười sáu năm nhìn mình với chiếc áo dài, thấy lạ lạ và vui. Thì ra mình vẫn có dịp mang áo dài, tưởng rằng đã không còn cơ hội nữa vì cuộc sống bận bịu và viện đủ lý do.


Nhà thờ cách nơi tôi khoảng nửa giờ lái xe, nhà hàng cách đó mười lăm phút. Chương trình đến nhà thờ sớm chụp hình chung cả nhà, chúng tôi rời nhà hai tiếng trước vì sợ kẹt xe, quả thật, freeway đông nghẹt, xe cộ nhúc nhích từ từ chậm rãi. Tôi không muốn mang áo dài ngồi trên xe nên mang theo, ngờ đâu gần đến giờ lễ mà vẫn kẹt trên đường. Đành phải thay áo trên xe và hầu như không trang điểm gì cả. Rẽ vào đường trong, chạy bán sống bán chết đến nhà thờ vừa đúng lúc phụ dâu phụ rể đi vào nên coi như chưa trễ.


 
Buổi tối tại nhà hàng thật vui. Từ ngày tất cả các bạn cùng trang lứa lập gia đình hình như chúng tôi chưa dự một đám cưới nào vui thế. Đi dự những tiệc cưới kiểu Mỹ, không nhảy nhót ăn uống như Việt Nam nên đám nào cũng buồn thiu.


Các cháu để nhạc của bọn trẻ thời nay nhưng thỉnh thoảng có những bài của thời 80-90. Chúng tôi dự định về sớm nhưng khi nghe điệu nhạc quen thuộc của bài "You're My Heart, You're My Soul" làm ngứa ngáy chân cẳng, nhịn hết được mấy anh em kéo nhau ra sàn. Những bản nhạc New wave, Disco lúc tôi mới qua đây rất thịnh hành, đi party ở đâu cũng có những bài này. Sàn nhảy chật cứng bạn bè của các cháu, gia đình chú rể cô dâu ai cũng kéo nhau ra sàn lắc lư.


 Hình ảnh chú rể với mẹ thật đẹp.


Mannequin challenge


Dự định sẽ cùng các chị trang điểm và chụp hình áo dài trong ngày cưới của cháu nhưng cuối cùng không được gì cả. Mặc áo dài khi xe đang chạy, đến parking nhà thờ, nhảy xuống với giày cao gót, hình ảnh người mặc áo dài lượt thượt đi như chạy vào nhà thờ có lẽ là buồn cười lắm, nhưng tôi không còn giờ để yểu điệu thướt tha nữa, đành vậy. Chưa bao giờ đi dự lễ cưới mà không sửa soạn kỹ lưỡng như lần này, tôi cứ áy náy mãi.

Tôi thích tấm hình này với con, chị chồng bấm ở nhà hàng,





Đại gia đình đã có một ngày quá vui, cầu mong hai cháu hạnh phúc bền lâu.





Nguyệt Hạ
Tháng mười một 2016


*You're My Heart, You're My Soul - Modern Talking





Thursday, December 8, 2016

SEASON GREETING





HAPPY HOLIDAY TO ALL MY DEAR FRIENDS
 Thân chúc các bạn một mùa lễ thật an lành



Wednesday, December 7, 2016

Bài Thánh Ca Buồn




Bài Thánh Ca Buồn
Tác giả: Nguyễn Vũ
Trình bày:Trần Thái Hoà



Thursday, November 24, 2016

THANKSGIVING 2016



Happy ThanksGiving to you all,


Con gái của cháu, 6t học lớp 1, tự làm các món trang trí trên bàn




Chị lớn nấu các món ăn
 
 
Xin Tạ Ơn Trên những gì chúng tôi có được hôm nay.




Wednesday, November 16, 2016

BURRITOS SUNDAY



Khoảng vài năm trước, buổi trưa ngày lễ Tạ Ơn, tôi ra thư viện trả sách. Thư viện đóng cửa tôi thấy một ông nằm ngủ trước cửa dưới mái hiên. Lục trong túi chỉ còn số tiền nhỏ, tôi để nhẹ bên cạnh ông. Ra về mà lòng áy náy. Tối hôm đó hai chúng tôi mua những hộp pizza trở lại thư viện. Không thấy ông ấy đâu, chúng tôi chạy xe vòng qua mặt bên kia cũng không thấy, nhưng lại thấy những người khác nằm ngủ dưới các bụi cây. Xót xa lắm, trời lạnh mình áo mũ còn run mà họ nằm trong những chiếc túi ngủ mong manh... Tôi đặt những hộp pizza bên cạnh họ, quay lưng đi, thì nghe những tiếng gọi thật lớn tên ai đó. Sợ quá tôi tưởng họ nổi giận với tôi. Bóng tối phủ đầy chung quanh khoảng sân bên hông thư viện, nơi đây vắng vẻ, chỉ có những bụi cây um tùm. Tôi quay lưng tính chạy ra xe. Thì ra họ gọi những người khác đang ngủ ở chỗ bụi cây xa xa ra ăn chung. Từ đó thành thông lệ, mỗi mùa lễ chúng tôi lại mang pizza đến với họ.

Thường mình cho tiền khi các hội từ thiện gửi giấy xin, hay soạn áo quần cho các tổ chức. Những việc làm ấy góp phần giúp người thiếu thốn nhưng dừng lại ở mức độ nào đó. Khi đối diện với những người kém may mắn hơn mình, thực tế đánh thức tôi, làm tôi suy nghĩ và tiếc rằng mình không có  khả năng để chia xẻ nhiều hơn.

Lúc sau này, tôi tham gia vào một nhóm ở nhà thờ làm burritos cuối tuần mang đến chia cho người không nhà. Sáng thứ bảy, nhóm gặp nhau trong bếp của nhà thờ, sửa soạn các thứ cần thiết như trứng, thịt, khoai tây nấu cho món burritos. Mỗi phần có chai nước, giấy lau miệng, gói gia vị nhỏ. Tất cả cho vào một túi giấy trắng tinh đàng hoàng. Từ sáu giờ sáng Chúa nhật, chúng tôi đã có mặt để hâm nóng các thứ và cuốn gói burritos. Hơn bảy giờ đoàn chúng tôi lái xe xuống downtown, nơi có nhiều người không nhà để chia cho họ phần ăn sáng. Mỗi tuần nhóm làm khoảng 300 chiếc burritos, và phân phát những món cần thiết khác.

Tôi đi theo và thấy rằng, họ rất cần những thứ dùng cho vệ sinh cá nhân, và mùa lạnh đến họ cần áo ấm, vớ, giày, mền. Mới tuần trước đây, một món không ai chuẩn bị có vài người hỏi: những người đàn ông cần dao cạo râu. Trong nhóm ai có áo quần không dùng mang đến, có người mua thêm mền mới, và những tấm nhựa để họ trải nằm dưới đất. Người phụ trách phát áo quần trong nhóm nói với tôi, khi đi khách sạn nhớ mang những chai nhỏ các thứ như dầu gội đầu, xà phòng tắm, bàn chải và kem đánh răng ... về cho, người ta rất cần. Lâu nay tôi có rất nhiều những thứ đó không biết làm gì vì khi đi chơi thấy chai nhỏ đẹp, lấy cho vui, về nhà thì không dùng.

Và vì thế tôi bận hơn một tí, bận đi xin áo ấm, vớ, giày, và các thứ nhỏ nhỏ. Tôi nói với các chị tôi, các bạn, những người quen biết, ai cũng vui vẻ lục lọi đồ đạc để cho những món họ dư dùng. Có những món áo quần đẹp, sang thì nhóm tôi không lấy vì mình mang cho người không nhà, chỉ cần những món thực dụng. Khi tôi đứng phát mũ, vớ, ai cần dùng họ mới hỏi. Một đoàn người đứng xếp hàng lần lượt chờ đến phiên, họ không nói năng ồn ào, hình như họ không muốn nói. Họ không lấy món gì họ không cần. Đó là điều ngạc nhiên. Trước mặt tôi là thùng mũ len, thùng vớ, ai tôi cũng hỏi nếu họ cần, nhiều người lắc đầu. Người cần chỉ lấy một đôi vớ, họ không màng đến đôi thứ hai. Nhìn thấy vậy, mới biết họ đàng hoàng hơn những nơi có cho quà hay thức ăn miễn phí, nhiều người nhào vào giành giật thật xấu hổ.

Khi tôi mới sang Mỹ, nhắc đến người không nhà, nhiều người ở đây nói đừng cho tiền họ, vì họ là những người làm biếng không chịu đi làm. Tôi lại nghĩ khác, số người đó có thể chỉ là một phần nhỏ trong số mấy chục ngàn người kém may mắn kia. Mỗi người có một hoàn cảnh, ai lại muốn ra ở ngoài đường ngoài phố như vậy. Gần ba mươi năm ở đây, tôi thấy rằng mình làm gì được phần mình thì làm. Mình có được nơi ăn ở ấm êm, chừng đó đủ để thấy mình may mắn hơn họ rất nhiều. Nhớ mãi, khi Thầy tôi còn, thường nhắc nhở tôi, Lời Chúa dạy rằng: Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Tôi không bao giờ muốn cho ai biết những gì tôi làm, nhưng việc này, nếu không cho biết thì làm sao xin được những món cần thiết. Như tôi lúc trước, không hề biết người ta cần những đôi vớ cũ, những chai dầu gội đầu nhỏ từ khách sạn, những chiếc dao cạo râu, những chiếc lược... những món tôi có, cũng như bạn có, mà mình không biết làm gì với nó.

Mùa lễ Tạ Ơn đến, tôi Tạ Ơn Trên đã cho chúng tôi  những gì có được ngày hôm nay, tôi cũng tạ ơn người trưởng nhóm Burritos Sunday đã nghĩ ra chuyện làm burritos để chúng tôi có dịp đóng góp một chút ít. Hy vọng bạn cũng tìm được một việc gì đó chia xẻ với những người kém may mắn trong mùa lễ này.


Tôn Nữ Thanh Dương
Mùa Tạ Ơn 2016



Monday, November 14, 2016

ÁO DÀI



Tháng này có đám cưới cháu. Hai tuần trước các chị chồng bảo nhà mình phái nữ sẽ mang áo dài. Hơn hai mươi năm rồi chưa may áo dài, chưa mặc áo dài lại. Hơi lo lo. Chẳng biết sẽ như thế nào...

Thử áo, chưa kịp quay lại, chị bấm máy bất ngờ, lại thích tấm hình này:


mt 2016

Nhìn thấy mình trong gương, ngạc nhiên lắm. Cảm giác lạ và thích thú khi xỏ tay vào chiếc áo dài sau mấy mươi năm. 





Monday, October 31, 2016

Chuyện Nhỏ Cuối Tuần



Có khi nào bạn gặp trường hợp, xe hết xăng, đứng trước cây xăng mà không mở nắp bình xăng ra được không? Đó là chuyện chúng tôi gặp phải cuối tuần qua.

Buổi chiều tối khi có chuyến đi xa, bình xăng cạn, ghé vào trạm xăng thì chúng tôi không thể nào mở miếng che nắp bình xăng được. Từ bao lâu nay chúng tôi chỉ cần đẩy nhẹ trên miếng tròn tròn ấy là nó bung ra, rồi vặn nắp mở. Lúc đó hết người này đến người khác thay nhau đụng nhẹ, đụng mạnh, cạy gỡ, đánh đấm vào nắp đậy bên ngoài mà không thấy nhúc nhích gì. Phía sau trong xe có một miếng gì đó tôi cũng thử kéo mấy lần, vẫn không thấy miếng nắp bung ra. Tôi đã dùng chìa khoá xe cạy vào kẽ hở của miếng nắp ấy nhưng không thấy chỗ nào để bẫy lên. Ở nhà còn xe nên chưa đến nỗi hốt hoảng. Đã tính quay về, đổi xe khác cho chuyến đi, tôi nghĩ đến chuyện ngày mai mang xe ra tiệm sửa. Lên xe, tôi lấy cuốn manual ra đọc, tìm trang nói về xăng, và cách mở nắp bình xăng. Thật là đơn giản. Lâu nay chúng tôi chỉ biết một cách, do người bán xe ở dealer chỉ là đẩy nhẹ vào miếng nắp đó, còn hai cách nữa nhưng có đọc sách đâu mà biết. Chỉ cần dùng cái key fob (remote mở khoá xe) bấm mở là miếng đậy bình xăng bung ra, (có một điều lạ, mỗi lần bấm mở cửa xe thì nắp đậy xăng có bật ra đâu? sao bây giờ lại mở?) Một cách nữa là dùng chìa khóa mở cửa xe nhưng xoay theo chiều kim đồng hồ, cách này lạ quá, sẽ thử xem sao. Mở được nắp, đổ xăng đầy bình trời tối lắm rồi nên phải đi ngay.

Tôi có chiếc xe này đúng mười ba năm và rất thương nó nên không muốn thay xe khác, dù mọi người chê tôi đi xe cũ luôn thúc giục tôi đổi xe. Ai nói gì thì nói, tôi giữ xe gần như mới và sẽ giữ thêm một thời gian nữa. Mười ba năm nhưng tôi ít đi xa nên số cây số vẫn còn thấp, xe vẫn chạy tốt và đẹp đẽ, tôi không màng đến những chiếc xe đời mới với những tiện nghi hiện đại. Đối với tôi vô ích. Chiếc xe này đưa tôi đi các nơi, qua bao nhiêu vùng đất mới lạ, qua bao nhiêu chỗ làm khác nhau, qua bao ngày nóng lạnh mưa gió... Đã bao nhiêu giờ tôi ngồi trên xe, khi lái một mình tôi nói chuyện với xe, xe cũng như người bạn thân đồng hành với tôi mọi lúc. Tôi có vài chiếc xe khác trước chiếc này, xe nào tôi cũng thương cũng qúy, xe đã giúp tôi rất nhiều, tôi biết ơn xe của tôi lắm.

Khi mới mua xe về, chẳng bao giờ chúng tôi đọc cuốn manual, không phải một xe mà lần nào mua xe cũng không đọc. Tôi còn nhớ có lần mưa lớn quá, tôi lái xe một mình trên freeway. Nước mưa nhạt nhoà gương sau xe nhưng tôi không biết làm sao mở quạt nước phiá sau. Lúc ấy hoảng lắm nhưng không dám thử vặn lung tung, sợ lỡ làm gì hư hỏng món khác thì tiêu đời. Lại có lần đi trên đường có sương mù nhiều, mờ mịt chẳng thấy gì phía trước. Xe có fog light nhưng chưa bao giờ tôi dùng nên không biết mở thế nào. Nghĩ thầm về nhà sẽ đọc trong manual cho biết, rồi lại quên luôn. Hình như không phải chỉ xe, mà bất cứ món nào cũng vậy. Từ máy tính cho đến máy in, máy chụp hình cho đến điện thoại, radio hay cassette, TV hay tủ lạnh, máy giặt máy sấy hay máy cắt cỏ, vv và vv. chả bao giờ mở mấy cuốn chỉ dẫn ấy ra xem. Chỉ toàn lúc hư hỏng trục trặc gì đó mới mở ra dò đúng trang đọc đúng phần cần tìm rồi thôi. Lúc nào cũng có một ý nghĩ, khi nào rãnh sẽ đọc cho biết. Bao nhiêu món đồ hư hỏng mà mấy cuốn sách còn mới tinh, bao nhiêu cái xe đến rồi đi mà có khi mấy cuốn manual chưa mở ra một lần. Bây giờ còn tệ hơn nhiều, vì có gì thì mở internet ra tìm, nhanh hơn là mở sách. Thời đại thông tin hiện đại làm chúng tôi hư hỏng quá đi mất.

Đó là chuyện trục trặc cuối tuần qua.

Nguyệt Hạ
Cuối tháng mười 2016





Tuesday, October 25, 2016

THƠ TRẦN KIÊU BẠC

SÀI GÒN TRONG KHÚC NHỚ QUÊN



Có nhớ hay quên cũng là Sàigòn
Phố nghiêng vai chào nhau mừng buổi sáng
Một góc cà phê phần ba ly pha đậm
Một mình thả trôi vị đắng cuộc đời

Không là phố quen của tuổi hai mươi 
Phố cũ khó tìm, người về không biết
Những đổi thay đến từng dấu vết
Ngóng thật lâu chưa biết ngõ ra vào

Bây giờ phố xưa không còn trẻ đâu
Tiếng rao đêm đã khàn hơn một chút
Chiếc xe già nua mỏi hơn buổi trước
Người đạp xe quen gội tóc muối tiêu

Nhớ thật nhiều và quên cũng thật nhiều
Không thể quên phần ba ly cà fé đậm
Trong mưa khuya nhớ thương lời rao sáng
Giữa nắng ngày thương nhớ tiếng rao đêm

Sài gòn vẫn Sài gòn lẫn lộn nhớ quên
Trong nỗi quên đã nẩy mầm niềm nhớ
Bởi ngàn năm Sài gòn trong hơi thở
Trái tim xa quê nhịp đập vẫn Sàigòn.

TRẦN KIÊU BẠC


Sunday, October 23, 2016

Thơ MẸ - Trần Kiêu Bạc






Trong Hư Ảo Khói Nhang Vẫn còn Thơm Mùi Mẹ
Thơ Trần Kiêu Bạc
Hồng Vân diễn ngâm

Thursday, October 20, 2016

Wednesday, October 19, 2016

ĐÊM TRỞ LẠI PLEIKU - Thơ TRẦN KIÊU BẠC


...
Pleiku còn mãi với nhớ mong
Phố của tình nhân phố ngàn thông
Phố cao của núi buồn như lá
Của "Em Pleiku má đỏ môi hồng"
...
(Đêm Trở Lại Pleiku - Trần Kiêu Bạc)



Đêm Trở Lại Pleiku
Thơ Trần Kiêu Bạc
Diễn ngâm Hồng Vân


Tuesday, October 18, 2016

TÂM SỰ VỚI CÂY ĐÀN CŨ - THƠ TKB

TÂM SỰ VỚI CÂY ĐÀN CŨ



Hơn mười năm rồi đàn có bạn tri âm
Hay vẫn treo mình lẻ loi trên vách
Trong nỗi đau dặm trường ngăn cách
Biết sáu dây còn quấn quít những âm giai?

Giờ xa rồi tôi thương lắm đàn ơi
Lần cuối cùng đàn với tôi bên nhau khóc
Từng nốt trắng đen tuôn theo nước mắt
Hợp âm rời đưa nỗi nhớ lên cao

Nốt ngân dài tình lưu luyến thật lâu
Qua dấu lặng âm thanh thành tiếng nấc
Quảng ba êm khơi sắc màu dìu dặt
Cung trầm buồn bật máu những ngón tay

Hiu hắt một mình đàn như rẽ làm đôi
Nửa theo tôi những âm thanh câm nín
Nửa ở lại bên cung sầu bất tận
Bên nầy thương bên kia nhớ không cùng

Đêm còn nghe từng nốt nhạc rưng rưng
Ngày vẫn nhớ đàn lẻ loi trên vách
Gởi chút tình về bên kia quả đất
Biết bao giờ ôm lại chiếc đàn xưa!




TRẦN KIÊU BẠC

Monday, October 10, 2016

LỤC BÁT- CHUỖI THƠ RỜI - THƠ TKB






Ngày đi qua nắng thôi vàng
Đêm về có mộng cũng tan theo ngày
Xòe tay đếm những ngón tay
Đếm bao ngón ngắn ngón dài mà đau!


Trăng cười chi mãi đêm thâu
Để ai đổ bóng bên cầu trần ai
Trách chi dây buộc vào dây
Tìm nhau nào nắm được tay mà tìm


Ngày đi trờì đã sang đêm
Hỏi nhau đã đến cõi riêng bao giờ
Hay chờ đêm vuớng câu thơ
Để đêm không sáng và bơ vơ ngày


Đêm tan mà nhớ vẫn đầy
Rượu còn chưa biết tỉnh say lúc nào
Còn cuộc sống còn chiêm bao
Ngày còn mộng mị đêm vào cõi mơ.



TRẦN KIÊU BẠC

Saturday, October 8, 2016

NGĂN CÁCH, NHỚ THƯƠNG - THƠ TKB







Người đi ngăn cách tựa âm dương
Thương nhớ dệt thêm những chặng buồn
Nắng nhuộm sắc vàng ôm bóng khói
Mưa chìm màu xám phủ màn sương
Cách xa ngàn dặm nhiều thương nhớ
Xa cách một ngày lắm nhớ thương
Thương nhớ có dài hay ngắn ngủi
Cũng là tình tự gởi quê hương.



TRẦN KIÊU BẠC

Wednesday, October 5, 2016

TỰ HỎI LÒNG MÌNH - THƠ TKB







Câu hỏi quen quen chợt đến với mình
Nhờ ai cho đôi vai mình vươn lớn?
Một trí thông minh, tâm hồn trong sáng
Luân lưu dòng máu đỏ chảy trong người?

Câu hỏi ngắn thôi nhưng khó trả lời
Nếu không nhớ vai Mẹ oằn quang gánh
Áo vá vai chưa chắc che thân ấm
Sớm sương ngày, chiều ướt đẫm sương đêm

Nếu chưa biết vì sao lưng Mẹ còng thêm
Dép đứt quai không dám mua đôi mới
Vắt dòng sửa thơm cho mình lớn vội
Mẹ còn gì hay chỉ nắm tay không?

Bây giờ chỉ còn đôi mắt bao dung
Sâu thẳm nhìn con qua hương khói nhạt
Chưa trả lời mà đau như muối xát
Tự hỏi lòng dâng Mẹ được gì chưa?

Mẹ có đòi chi con trẻ ngây thơ
(Dù bao lớn Mẹ vẫn coi là con trẻ)
Chỉ cần lúc Mẹ ngủ yên ta bước nhẹ
Kéo rèm cao thêm khi gió lạnh về

Khi Mẹ đau chỉ cần đứng cận kề
Rót nước ấm, đưa Mẹ cầm viên thuốc
Lời an ủi có chi mà to tát
Mẹ rất cần ta dù nửa nụ cười

Chỉ vậy thôi và chỉ có vậy thôi
Mà sao mình vẫn chưa làm trọn vẹn
Để bây giờ xót xa nhìn ngọn nến
Loay hoay hoài lời đáp vẫn chưa xong!



TRẦN KIÊU BẠC

Monday, October 3, 2016

HẸN VỀ THĂM HUẾ - Thơ TKB



Chia tay rồi nhớ lắm Huế ơi!
Nhìn quanh sắc tím nhạt khung trời
Nước đã dâng đầy bên tả ngạn
Bên nầy hữu ngạn sóng buồn trôi

Ai đem áo lụa phơi trong nắng
Cho người khách lạ lỡ đường xa
Tay đã rời tay tình không cạn
Chờ mãi một vòng ôm thiết tha


  
Không đành xa Huế, đành xa Huế
Tình còn neo đậu khúc sông Hương
Dẫu ngàn năm nữa đời dâu bể
Xin giữ hoài bóng Huế thân thương

Mai mốt hẹn về thăm đất cũ
Tìm ai trong áo lụa ngày xưa
Huế chẳng phai lòng người xa xứ
NHớ O  hoài tiếng gọi dạ thưa!



Trần Kiêu Bạc


ĐÊM MỘT MÌNH CHỜ MẸ - THƠ TKB









ĐÊM MỘT MÌNH CHỜ MẸ

Đêm thức một mình mới thấy cô đơn
Vắng Mẹ nhà như rộng thêm đôi chút
Đường về nhà bỗng dài ra hun hút
Bởi vắng một người, chỉ một Mẹ thôi

Lòng ước ao trở lại tuổi lên mười
Mẹ vá áo cứ đo dài tay áo
Cầu con lớn nhanh giữa đời giông bão
Cứ mỗi năm thêm một bước nên người

Ước chi mình về lại tuổi đôi mươi
Thấy mắt Mẹ mừng tin con thi đậu
Giọt mồ hôi khô vừa trên lưng áo
Nạm ngọc nụ cười hãnh diện về con

Phải chi còn mưa vột rớt hoàng hôn
Nép vai Mẹ cho vai mình khỏi ướt
Vời vợi tình thương nói hoài không hết
Canh cánh nỗi lo nặng đến bạc đầu

Đêm một mình dõi thấu suốt canh thâu
Ao ước là ước ao không có thật
Úp mặt vào đêm đến sưng đôi mắt
Mẹ đâu giờ… Mẹ đã khuất ngàn xa

Đêm thức một mình chờ Mẹ ghé qua…


TRẦN KIÊU BẠC


Thursday, September 29, 2016

Mênh Mông





El Capitan - Yosemite 
Photo by mt 2016




Nắng chếch bóng trải dài
Quấn quýt trọn bờ vai
Hàm tiếu thu cười nụ
Hạnh ngộ một sớm mai

Vàng sắc phai trên lá
Gió ve vuốt tóc mây
Ửng hồng em đôi má
E thẹn mắt thơ ngây

Mây tím buổi chiều tà
Nhạt nhoà sắc thời gian
Hờ hững cung đàn lạc
Đâu rồi điệu tình tang

Mai dần xa ngõ cũ
Phím xưa lỗi nhịp lòng
Ngu ngơ hoài mong đợi
Đời quá đỗi mênh mông

Nguyệt Hạ
Đầu thu 2016




Thursday, September 22, 2016

Thu 2016





 Merced River @ Swinging Bridge - Yosemite
Photo by mt 2016




Vài tuần lễ qua, trời đất giao mùa, mờ mờ ban sáng, nắng nóng ban trưa và hiu hiu ban chiều. Mùa hè năm nay đến vội đi vội, không có nhiều ngày nóng như những mùa hè trước. Mùa hè đến lúc mình chưa kịp thấy trọn mùa xuân, và mùa hè qua lúc mình chưa chuẩn bị đón thu.

Vậy mà thu đến rồi đó. Hôm nay lịch ghi ngày đầu tiên mùa thu nơi này. Thật ra thu đã rục rịch báo tin từ vài tuần trước. Một buổi sáng thức dậy, trời không còn nắng gắt chói chang thay vào đó một màn mỏng mờ mờ ngoài song. Trời chưa lạnh cho mình cần khăn quàng nhưng cảm giác dịu mát buổi tinh sương thật thoải mái. Mặt trời lên nắng vẫn hắt xuống nhân gian, vẫn nóng hừng hực làm bực bội muôn người, nhưng buổi chiều về lại hiu hiu gió mát. Không còn gì bằng khoảng thời gian giao mùa như thế này.

Năm nay hình như thu cũng đến vội. Lá hoa vừa rộn ràng khoe sắc đã phải chuẩn bị thay áo mới. Cây cỏ im lìm chờ đợi những giọt sương mai, nhẫn nại, chịu đựng sự đổi thay của trời đất. Cơn gió nhẹ thật nhẹ nhưng cũng đủ làm lá khô thêm và nhạt màu dần. Đến một lúc nào đó cũng bằng thoáng nhẹ nhàng của gió, lá lìa cành rời xa chốn cũ, lăn lóc trên đường về nơi chốn vô định xa xăm.

Mùa thu cũng như mọi mùa, cũng có đẹp cũng có xấu nhưng hình như người ta ca tụng mùa thu nhiều hơn. Và hình như văn thơ cũng dành nhiều chữ nghĩa cho mùa thu. Có lẽ cái hiu hiu mờ mờ ảo ảo của không gian mát mẻ làm cho máu văn nghệ trong mỗi người thức giấc. Vài hôm trước nơi đây còn có một cơn mưa bóng mây, đang quang đãng tạnh ráo, bỗng nghe mưa gõ nhịp rào rào trên sân, mùi đất nóng có hơi nước xông lên, ôi sao mà thân thương quá đỗi...

Vậy vậy đó, năm nào cũng lập lại chừng đó thứ. Nơi nào cũng có vài điều giông giống nhau về mùa màng. Tâm tư thì lúc vầy lúc khác, nhưng mỗi năm, ngày đầu tiên của mùa thu vẫn mang đến sự dịu dàng, nhắc nhở cho biết nếu không tận hưởng tôi sẽ lướt qua thật nhanh đó nhé.


Ơi mùa thu, đến nơi thật rồi....


Nguyệt Hạ

Ngày đầu thu 2016



Tuesday, September 20, 2016

Năm thứ hai






Geology Hut @ Glacier Point - Yosemite
Photo by mt 2016


Mùa hè đi qua. Con đã vào trường cho năm học mới. Từ chỗ ngừng xe con đi một mình vào phòng, trong lòng tôi có cảm giác lạ, phần yên tâm, phần lo lắng.

Mấy tháng nay hai mẹ con làm được vài việc trong nhà, ngoài vườn, cũng vui vui. Cho con tập làm những thứ mới lạ, chưa bao giờ biết đến, nhờ mẹ nói nhiều chỉ dẫn kỹ nên con làm được và khá. Những tuần lễ hai mẹ con đi bơi hàng ngày qua thật nhanh. Rồi làm món ăn này khác, con khá hơn trong việc chiên trứng ăn sáng, làm oatmeal, nướng bánh mì... Tôi nấu bếp mấy mươi năm, cứ nghĩ rằng chuyện dễ ợt, nhưng không phải vậy. Đối với con, làm gì cũng từ từ, chậm rãi và nhớ kỹ từng bước, làm gì trước, làm gì sau. Ngay cả rắc muối vào trứng, hay vào oatmeal, con cũng nhớ mấy lần... Nói ra thật buồn cười, khi con hỏi mẹ cho bao nhiêu muối, bao nhiêu tiêu vào trứng, tôi ngớ ra, có bao giờ đong đếm mà nhớ. Chỉ nói chừng chừng, con cầm lọ muối rắc khoảng ba hay bốn lần là được, tiêu xay khoảng hai hay ba vòng là đủ. Con hỏi cần mấy phút cho trứng chín? tôi nói nhắm chừng mặt trứng vừa khô là được, (có bao giờ tôi canh giờ đâu mà biết.) Có lần cho con xắt hành tây nấu sốt cà làm spaghetti, con bị cay mắt, nước mắt ràn rụa, vừa làm vừa "khóc", thật thương. Con bảo, thôi con không nấu món này vì không chịu được cay mắt quá. Tôi chỉ muốn con biết làm thức ăn sáng phòng trường hợp cần, chứ tôi vẫn trả tiền để con đến "tiệm ăn" của trường.

Tuần lễ trước khi vào trường, con bắt đầu buồn vì sẽ không ở nhà hàng ngày với bố mẹ. Con là người thích không khí gia đình. Con thích ngồi ăn chung và nói chuyện với nhau. Hàng ngày, làm gì cũng chung, đi đâu cũng đi chung, ăn uống gì cũng có đủ mọi người. Con đến trường, sống với bạn chung phòng, dù tính tình hiền lành và vui vẻ với nhau nhưng không phải là bạn thân từ trung học. Có bạn thân học trường khác, có bạn thân học cùng trường nhưng môn khác nên chỉ có dịp gặp nhau vài lần một tuần.

Trường đại học ở đây tổ chức chuyện ăn ở cho các em hay lắm. Năm đầu các em sống trong dorm, khoảng 60 đến 80 em một căn nhà lớn, có một căn bếp và tủ lạnh dùng chung. Mỗi phòng hai em, bốn phòng chia một nhà tắm. Các em không phải lo chuyện dọn dẹp ở khu vực chung, chỉ phải giữ sạch sẽ trong phòng riêng và thu dọn khi dùng bếp hay phòng tắm. Trong căn nhà đó luôn có một người lớn trông coi các em, giúp đỡ những khi cần và giữ trật tự. Căn nhà có cửa trước, cửa sau luôn khóa kín, mỗi em có chìa khoá riêng. Có phòng khách với TV, có đàn piano cho các em tập. Có phòng để máy giặt máy sấy. Nói chung mọi thứ đều trong nhà và khóa cửa đàng hoàng. Điều rất hay của năm đầu dù ở trong dorm các em vẫn có không gian riêng của mình nhưng học cách sống và tôn trọng người khác bằng cách giữ luật lệ chung.

Năm thứ hai, trường cho các em ở những căn riêng bên ngoài (không nằm trong căn nhà lớn.) Mỗi căn hai phòng ngủ, mỗi phòng hai em. Trong đó có phòng khách, nhà bếp, phòng ăn và phòng tắm. Mỗi căn như vậy nằm riêng biệt một mình, lối đi thẳng từ ngoài vào. Trong khu này có khoảng gần 200 căn với cây cao bóng mát, bãi cỏ xanh mướt và lối đi sạch sẽ bao quanh. Phòng khách có cửa patio, phòng ngủ có cửa sổ nhìn ra sân cây cỏ dịu mắt và yên lành. Khu nhà này có trung tâm cho các em đến học bài, mở cửa 24 tiếng. Có phòng cho các em đến tập thể thao, có sân chơi bóng rổ, và có một cửa hàng bán đủ các thứ cần thiết. Tôi nghe các em khen cửa hàng đó bán nhiều mặt hàng giá cả rẻ như Costco nhưng số lượng nhỏ. Thật chu đáo. Phần lớn các em nấu ăn đến đó mua những gì thiếu, quên mang theo từ nhà. Phòng giặt có máy giặt máy sấy nằm riêng trong căn nhà khác. Những người điều khiển khu nhà cũng ở trong những căn riêng của họ. Mọi thứ tiện nghi như vậy nhưng năm này các em phải tập sống theo kiểu người lớn hơn một chút. Sống với ba người cùng nhà, hy vọng các em sẽ biết cách chia việc để giữ căn nhà của mình sạch sẽ tươm tất. Bên cạnh đó các em sẽ đụng phải chuyện thực tế là mua những thứ lặt vặt trong bếp, trong phòng tắm và vật liệu chùi dọn nhà cửa, ai sẽ mua và tiền bạc chi phí sẽ chia nhau như thế nào... Tôi hy vọng các em sẽ học được nhiều thứ với cách sống thế này. Đây cũng là bước kế tiếp cho các em thực tập để khi ra trường có thể sống chung với người lạ.

Cuối tuần chúng tôi chở con đến trường, mang các thứ vào xong, chở con đi ăn tối rồi trả con về phòng. Nhìn con đi một mình từ bãi đậu xe vào, gần đến cửa con quay lại vẫy tay, chính lúc này tôi thấy nao nao và không yên tâm. Đèn chung quanh soi sáng lối đi nhưng có quá nhiều cây lớn rậm rạp, bóng tối cũng không thiếu. Tôi bắt đầu nghĩ đến lúc con đi học về tối, nếu có gì vv... và vv.... Ai dà... làm mẹ và lo lắng. Có lúc nào ngưng được...


Nguyệt Hạ
Sept 20, 2016

Sunday, August 28, 2016

Có Phải Là Duyên Nợ ...



Dung làm ca hai từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Buổi sáng vẫn đi học, có những ngày Dung đi thẳng từ trường đến sở làm. Vài ngày trong tuần Dung về sớm nấu cơm mang theo ăn ở sở. Việc làm quen thuộc, Dung làm giỏi được lên lương dần. Vui với gia đình bố mẹ, anh chị em và bạn bè trong chỗ làm, Dung quên dần chuyện cũ, lo làm lo học, và để dành tiền gửi về giúp người thân còn bên nhà. Vài năm như thế, năm học cuối Dung quen Hậu bạn học trong lớp,hai người hợp tính hợp nết và yêu nhau. Cả hai nghĩ đến chuyện cưới khi ra trường. Chỉ một trở ngại nhỏ. Hậu người ngoại đạo Dung thì đạo dòng. Dung không muốn ép buộc bạn trai của mình trong chuyện tín ngưỡng, nhưng Dung cũng không muốn lập gia đình với người ngoại.

Kéo dài gần nửa năm, hơi căng thẳng giữa hai người, đã có lúc Dung can đảm bàn đến chuyện chia tay. Hậu rất tha thiết muốn cưới Dung nhưng cũng không muốn theo đạo của vợ. Hai người thử chia tay một thời gian ngắn nhưng gặp lại vì không người nào chịu được cảnh chia xa. Cuối cùng Hậu chìu Dung và chịu khó đi học đạo cho đúng thủ tục làm phép cưới.


Thời gian này Dung hạnh phúc vô cùng. Chuẩn bị cho lễ cưới và thi ra trường. Bài vở tuy nhiều nhưng Dung chịu được nhờ có niềm vui khi thấy người yêu đã chìu theo ý mình để có thể làm bí tích hôn phối. Gần xong khóa học đạo, Hậu cần có người đỡ đầu khi chịu bí tích rửa tội ở nhà thờ.  Không quen ai nên Dung nhờ anh lớn Dung làm người đỡ đầu cho Hậu. Sau lễ rửa tội hai người bàn đến lễ cưới. Dung và Hậu vào gặp cha xứ để xin làm phép vào ngày đã định.

Cha xứ hỏi,
- Ai là người đỡ đầu của chú rể?
- Thưa cha, anh của con ạ. Dung trả lời.
- Thế thì hai người là anh em thiêng liêng với nhau rồi, làm sao mà cưới nhau được?

Nghe cha nói, hai người sững sốt, không nói nên lời. Lúc cần có người đỡ đầu trong nghi thức rửa tội, không ai nói cho Dung biết anh ruột không làm được vì sẽ trở thành anh em thiêng liêng! Dung chết lặng và Hậu cũng nghẹn lời. Hai người về hỏi ý Bố Dung,

- Tùy các con. Chuyện đã xảy ra như vậy, bố cũng không biết nói sao. Nhưng cha sở đã nói vậy thì ngài sẽ không làm phép cưới.

Hậu về rồi, mẹ vào phòng ôm Dung thật chặt. Trên đôi mắt đẹp của mẹ hai giòng nước mắt từ từ rơi xuống mặt Dung. Mẹ con khóc với nhau thật lâu, Dung cảm được tình thương yêu của Mẹ dành cho mình thật vô bờ bến. Không cần lời lẽ nào, chỉ cần mẹ nắm tay là Dung thấy cả một trời yêu thương che chở quanh mình. Thật rối trí, Dung chẳng biết tính sao. Hậu chịu theo đạo để cưới Dung sao bây giờ lại xảy ra như vậy? Hậu để Dung quyết định vì tôn trọng tín ngưỡng của Dung. Bố để tùy ý con, mẹ cũng không bàn thêm. Cân nhắc suy nghĩ, cuối cùng Dung quyết định ngừng chuyện cưới hỏi. Cuộc đời sao có những chuyện oái ăm ...


Dung và Hậu không cưới nhau cũng không tiếp tục yêu nhau được khi tự nhiên trở thành anh em thiêng liêng! Chuyện tréo cẳng ngỗng tự nhiên xảy ra. Hai người ở trong tình huống dở khóc dở cười. Dung đau khổ vô cùng và Hậu cũng không kém. Một ngày nọ Dung nghĩ, hay mình đi lấy chồng để cho Hậu yên tâm lấy vợ, không lẽ cả hai ở vậy suốt đời? Ý nghĩ đó loay hoay trong đầu Dung hoài, chẳng biết tính sao. Dung không liên lạc với Hậu và cũng không biết làm sao để nói với Hậu ý muốn của mình.


*****

Ed cũng hoàn thành chương trình học cùng một lần với Dung. Lâu nay Dung tránh mặt, không liên lạc với Ed, bây giờ ra trường rồi, có việc làm đàng hoàng, Ed muốn gặp lại và có ý muốn cưới Dung. Trong lúc quá thất vọng, Dung nhận lời lập gia đình với Ed. Dung tự bào chữa cho quyết định của mình làm vậy để Hậu có thể tự do đi lấy vợ. Đám cưới Dung có gửi thiệp mời nhưng Hậu vắng mặt. Không cần phải nói, cô dâu chẳng có vui vẻ gì, chỉ tội cho chú rể, dưng không lấy một cô vợ có tâm sự buồn.


Ngày qua ngày, Dung trong cuộc sống mới mà tâm hồn bị chia đôi. Ed rất thương yêu chìu chuộng vợ con và Dung cũng hết lòng với chồng con. Hai người có một trai một gái xinh xắn ngoan ngoãn. Dung cố gắng làm tròn bổn phận làm vợ làm mẹ nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu nỗi niềm riêng. Cuối tuần, vợ chồng con cái đi nhà thờ, Dung vẫn thấy Hậu đứng ở hàng cuối. Hậu không lập gia đình, một mình tham dự thánh lễ không vắng mặt lần nào. Những lúc vô tình hai ánh mắt chạm nhau, Dung quay đi thật nhanh. Đã nhiều lần Dung không muốn đi lễ Việt Nam nữa nhưng không muốn có sự thay đổi nên vẫn kéo dài sự chịu đựng.


Ed đối xử với Dung rất tốt và tôn trọng nỗi đau buồn của vợ.  Ed càng tế nhị bao nhiêu, cùng với sự im lặng của Hậu, Dung càng buồn bã bấy nhiêu. Mấy mươi năm qua, Dung vẫn cầu nguyện xin bình an cho chồng, cho các con và cho Hậu. Dù thế nào đi nữa, Hậu vẫn là một người thân trong đời Dung. Không ai có ý trách móc hay đổ tội, nhưng đôi khi Dung tự nghĩ, có phải mình đã quá hấp tấp từ chuyện tìm người đỡ đầu cho Hậu, đến chuyện ngừng đám cưới giữa hai người, hình như Dung chưa hỏi ý các cha cho đến nơi đến chốn mà tự quyết định một mình ...


Chuyện được kể lại với tất cả lòng quý mến các nhân vật. Vị cha cố và bố mẹ Dung đã qua đời hơn hai mươi năm qua, hai người con của Dung và Ed đã lớn khôn thành nhân thành tài. Những người trong cuộc vẫn còn và sống trong tình thương của cộng đoàn. 


Nguyệt Hạ
Mùa Thu 1989

Friday, August 12, 2016

DANA POINT, CA




DANA POINT HARBOR - CA



Dana Point Harbor, một nơi cách Los Angeles gần 60 miles về hướng nam. Gần bên cạnh là bãi biển Doheny, nơi có chỗ tắm biển và cắm trại qua đêm. Tôi đi nơi này nhiều lần nhưng vẫn muốn trở lại mỗi khi có dịp.

Ở đây có chỗ bán vé cho mình đi cruise ra khơi ngắm cá whale hay tàu chở mình đi câu cá, có tàu chở đi đảo Catalina và có chỗ cho mướn thuyền nhỏ chèo trên biển. Quanh đó có nhiều nhà hàng nổi tiếng, bãi đậu xe được bốn giờ đồng hồ miễn phí rất rộng. Ngày tôi đến Dana Point Harbor, các em trong đội YouthGuard của Quận Cam đang ăn trưa cùng nơi chúng tôi. Sau đó các em xuống tập dưới biển. Có điều kiện tập bơi như vậy thật tốt, vì nơi tôi, lớp học LifeGuard chỉ tập trong hồ.


Có một cây cầu lớn nối từ bên này bờ sang bên kia. Lần nào cũng vậy, sau khi ăn trưa, chúng tôi đi bộ trên cầu để sang công viên nhỏ. Đầu cầu bên kia có một khoảng đất dài, vài cây bóng mát, bàn ghế và lò nướng để làm picnic, ngồi ngắm cảnh hay đi dạo, gió biển thổi vào rất mát. Ai không thích đi bộ thì lái xe, cũng có bãi đậu xe không trả tiền.


Đi trên cầu nhìn xuống như thế này:

DANA POINT MARINA



Nơi công viên nhỏ nhiều người đi dạo, ngồi đọc sách, ngắm biển và tàu bè qua lại.Có một cây hoa gì (không biết tên), gốc xẻ làm hai một bên xà sát đất, nhìn hay hay.










 


Nhiều người chơi paddle boarding


Trở lại bên kia cầu, ra khỏi khu harbor, lái xe ra ngoài, tay phải là hướng biển Doheny có khu cắm trại, hướng tay trái đi một đoạn ngắn sẽ gặp Baby Beach, nơi nước cạn cát mịn cho các em nhỏ tắm và có chỗ cho mướn paddle boarding (không biết tiếng Việt món chơi này gọi là gì?) Gần Baby Beach có Ocean Institute, tôi đến nơi đã quá giờ nên không vào được.

BABY BEACH - DANA POINT


Gió biển thổi mũ áo tung bay,
 xém tí nữa tôi có hình giống như hình Marylin Monroe rồi đó


Không khí biển trong lành làm mình thấy khỏe và thoải mái. Vài năm trở lại một lần nhưng lúc nào tôi cũng có tâm trạng háo hức như lần đầu.


Tôn Nữ Thanh Dương
Tháng Tám 2016



*** JON'S SEAFOOD MARKET

Quán ăn bình dân nhưng hải sản tươi, ngon và giá cả phải chăng. Bạn có thể chọn, cá nướng hay chiên, và họ có bán cá tươi để mình mua về. Có nhiều tiệm quán sang trọng quanh vùng này nhưng lần nào trở lại, chúng tôi cũng đến đây.


Fish taco & seafood combo


Monday, August 8, 2016

Khi Nào Mình Gặp Lại Nhau




Đang mải mê trên phím đàn chợt thấy bóng người thấp thoáng trước cửa phòng tập, Dung ngừng lại mở cửa, Ed đứng bên ngoài, tươi cười chào hỏi,
- Hi Dung, can I come in?
Không hiểu Ed muốn vào làm gì nhưng lịch sự, Dung nhích sang một bên chừa lối. Vào bên trong Ed đưa Dung mấy bản nhạc,
- Today is my birthday and this is my birthday gift to you!
Rất ngạc nhiên vì món quà bất ngờ, Dung thấy vui và cảm động.
- Happy birthday to you. And you bought me a gift? Thanks so much.
- You are very welcome.

Ed, một người bạn trong lớp piano ở trường đại học Dung mới quen được vài tuần nay. Trong lớp mình Dung người Việt, còn lại toàn Mỹ trắng, và hai cô Nhật cùng ba cô Đại Hàn. Mấy cô này đã đi dạy piano ở nước họ, vào đây học để lấy credit dễ dàng. Dung học piano từ hồi còn ở quê nhà nhưng từ ngày đi đến nay chưa có dịp tập lại. Bây giờ có cơ hội lấy lớp học thêm vừa ôn lại vừa được tính điểm.

Tuần trước trong lớp có giờ kiểm tra, vài người Mỹ lên đàn những bài nhạc quen thuộc, thầy Vinh dạy Dung từ ngày đó. Dung cho Ed biết đó là những bài mình thích. Không ngờ Ed để ý và hôm nay mua tặng Dung. Một niềm vui nhẹ chợt đến trong tâm, ít ra nơi xứ sở này cũng có những niềm vui nhỏ đủ để mình cảm thấy không đến nỗi lẻ loi lắm. Bao lâu nay đi học, cứ một mình lủi thủi đi đi về về, không có một người Việt nào làm bạn, ngoại quốc thì cứ chào hỏi xã giao chứ chưa có ai thân thiện.
- You said today is your birthday, can I buy you lunch?
Ed hơi ngập ngừng,
- I didn't mean that, you don't have to.
- I don't have to but I want to. Let's celebrate your birthday.

Dung trả chìa khoá phòng tập cho văn phòng và chở Ed ra nhà hàng. Dung dành cho Ed quyền lựa chọn nơi Ed thích. Nói chuyện vài câu Dung biết Ed chỉ mới 19, từ tiểu bang Michigan sang Cali học đại học ngành âm nhạc. Ed vừa học vừa làm bán thời gian trong tiệm bán nhạc cụ và share phòng trong nhà một người đàn ông nọ. Ed không có xe và lấy xe bus đến trường hàng ngày. Dung cảm thấy bất mãn những bậc cha mẹ bên Mỹ này, con cái chỉ mới 18 tuổi đã ra khỏi nhà phải tự lo lấy, làm sao tránh được chuyện sa ngã, hư hỏng khi bị dụ dỗ và mua chuộc, rồi làm sao có được chỗ ăn chỗ ngủ đàng hoàng nếu chúng không có được việc làm ổn định?

Một tuần ba buổi học chung, Dung và Ed trở nên thân thiết. Lớn hơn Ed năm tuổi nên đôi khi Dung lo lắng cho Ed như người chị lo cho em, dù bề ngoài Ed cao lớn hơn Dung rất nhiều. Dung thường chở Ed đến nhà ăn cơm Việt nam, cũng có lần Ed lãnh lương nấu spaghetti đãi Dung. Lần đó, sau khi ăn xong, dọn dẹp bếp núc sạch sẽ cho chủ nhà, hai người vào phòng Ed nghe nhạc. Trong phòng vừa vặn chỗ cho một tấm nệm nhỏ đặt dưới đất. Hai người ngồi trên tấm nệm và tự nhiên cứ như nam châm hút lấy nhau. Cảm giác cháy bỏng chưa bao giờ có. Hai người quấn quít không rời, lần đầu tiên Dung thấy thân hình một người thanh niên đẹp như vậy. Người Ed cứ như tượng thần David. Dung nhìn ngắm không chớp mắt làm Ed ngượng ngùng... Quấn quít với nhau thật lâu, Dung hôn Ed và thì thầm,
- We have to stop here.
- Why, I love you, you love me. Why do you want to stop?
- Because I am older than you. We don't want to do anything we might regret later.
- I will not be that way. I'm happy with you now, why do we worry about later?

Hai nền văn hóa khác biệt nhau nên khó giải thích cho Ed hiểu ý Dung. Đối với Ed, người Mỹ, trai gái yêu nhau thì cứ tự do. Còn Dung tuy còn trẻ nhưng đầu óc cổ hủ, cứ nghĩ phải để dành cho người mình sẽ thành vợ chồng sau này. Quả là xưa như trái đất. Dung dứt khoát đi về. Ed ngạc nhiên tưởng Dung có điều gì giận dỗi, Dung phải giải thích nhiều lần cho Ed hiểu người VN như vậy, chẳng có gì giận hờn cả.... Có lẽ Ed nghĩ Dung cao giá.

Hai người vẫn gặp nhau ở lớp và Dung tránh không đến nhà thăm Ed nữa. Dung cũng buồn nhưng tự nhủ thầm, Ed không phải của mình. Hãy để cho Ed có bạn gái ngang hàng. Mình lớn hơn Ed, có kéo dài tình bạn này rồi cũng không đi đến đâu. Mùa hè đến, Dung chuẩn bị đi xa thăm bà con, khi nghe tin Ed buồn bã nói,
- I know you will have good time with your cousin. I will be lonely here.
- I will call and come to visit you when I come back.

Trước ngày Dung đi, Ed mang đến một con gấu nhồi bông màu nâu thật lớn tặng Dung và một tấm thiệp thật đẹp, trong đó Ed viết tay nét chữ đẹp phóng khoáng,
- Hold the bear when you miss me, I will miss you when I'm alone here. Ed.

Thật là cảm động khi có người nghĩ đến mình trong lúc đi xa. Suốt chuyến đi Dung cũng nhớ và nghĩ đến Ed nhiều. Gần đến ngày nhập học Dung về lại thành phố, suy nghĩ mãi và quyết định chia tay với Ed. Dung hy vọng thời gian sẽ giúp cho hai người quên đi chuyện này. Ed còn quá trẻ, người thanh niên đó sẽ gặp người cùng trang lứa và cùng màu da. Dung không bao giờ muốn lập gia đình với người ngoại quốc, sợ những điều khác biệt sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình sau này.

Trở lại trường, mỗi lần đến lớp Dung nhớ đến những kỷ niệm với Ed. Cố tình tránh mặt, Dung không lấy lớp piano nữa dù rằng rất thích học đàn. Đành chịu thôi, nếu lấy lớp đàn thì sẽ gặp Ed, làm sao mà chia tay được. Dung buồn bã và chịu đựng nỗi nhớ nhung day dứt hàng ngày. Từng buổi ăn trưa một mình, Dung nhớ lại khi có Ed, sau giờ học buổi sáng, hai người thường ăn với nhau và sau đó cả hai đi làm. Những ngày cuối tuần, đi park, đi biển, có khi đi cắm trại..., lúc nào cũng có Ed bên cạnh. Biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Ed chìu chuộng theo ý Dung, hiền lành và luôn làm Dung vui... Hai người chưa bao giờ cãi nhau lần nào. Nghĩ lại, Dung cũng tiếc, biết sau này mình có gặp được người hạp tánh như thế không?

Dung cố tìm quên trong việc học, lấy nhiều lớp hơn, cùng với công việc hầu như Dung không còn giờ để nghĩ ngợi. Mỗi lần tập nhạc với cây đàn organ điện mua ở tiệm nơi Ed làm từ ngày mới quen nhau, nỗi nhung nhớ vẫn thoáng hiện trong tâm trí. Thỉnh thoảng Dung chơi lại những bài nhạc Ed tặng, nốt nhạc nào cũng đượm âm hưởng của tình yêu lãng mạn ngày nào. Cặp mắt đen của con gấu bông màu nâu vẫn lặng lẽ nhìn Dung như hỏi thầm, khi nào mình gặp lại nhau...


Nguyệt Hạ
Mùa Hạ 1989



Friday, July 22, 2016

Wednesday, July 20, 2016

Tháng Bảy Mưa Ngâu









Những đêm hè oi bức của tháng Bảy, Hương thường ra sân đi thơ thẩn nhìn trời ngắm đất. Không khí ngoài sân thật thoáng mát nhất là những lúc có một vài ngọn gió nhẹ thổi qua. Mùi hương đêm ngai ngái trong cái nóng oi nồng của mùa hạ thật dễ chịu. Cảm giác quen thuộc ấy làm Hương ứa nước mắt mỗi khi được đứng một mình trong đêm. Ngày nào trời không có những cụm mây lãng đãng có thể nhìn thấy một rừng sao sáng lấp lánh trên nền đen thẳm, khi trời nhiều mây mờ vẫn đục thì chỉ là những chấm sáng li ti.


Nhớ lại những ngày đi lang thang với anh, anh dừng lại lưng chừng con dốc lên đồi nhìn lên trời và chỉ cho Hương hai vì sao Ngưu Lang và Chức Nữ. Hương cố nhìn theo hướng tay chỉ của anh nhưng vẫn chưa nhìn ra ngay hai ngôi sao anh nói. Anh giải thích, hai vì sao này không giống như những sao khác. Này nhé, chỉ có hai ngôi sao nhỏ bằng nhau, sáng bằng nhau và cách xa nhau một khoảng vừa phải.

Ngẩn đầu nhìn lên mỏi cả cổ, cuối cùng Hương cũng nhận ra hai cái chấm sáng mà anh bảo đó là Ngưu Lang và Chức Nữ. Anh kể theo truyền thuyết Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên chểnh mảng việc tr
ời. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên lơ là bổn phận.

Ngọc Hoàng nổi giận, bắt hai người phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Đó là giải Ngân hà chia cách hai vì sao Ngưu Lang và Chức nữ. Anh còn kể trong tháng Bảy có những cơn mưa ngâu, là nước mắt của hai người khóc khi xa nhau. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng bảy tháng Bảy âm lịch. Đàn quạ đen bắt cầu cho hai người đi sang gặp nhau, gọi là cầu Ô Thước. Từng đêm hai ngôi sao nhích lại gần nhau hơn một tí, rồi đến ngày gặp nhau và qua ngày mai là hai ngôi sao sẽ lại xa cách trở lại cho đến một năm sau.


Từ ngày không gặp anh nữa, hằng năm vào mùa hè Hương vẫn có thói quen ra sân ngắm nhìn trăng sao và nhớ đến ngày xa xưa ấy. Lần nào cũng vậy, Hương cố dõi mắt tìm hai vì sao nhỏ và sáng bằng nhau trên bầu trời rộng lớn với hằng hà sa số trăng sao.

Cái chữ ngày xưa, sao mà lúc nào cũng đẹp, sao mà lúc nào cũng thơ mộng. Hương không tài nào hiểu được tại sao chuyện tình với anh lại không thành khi hai người ai cũng bảo là thương yêu nhau. Mình không có duyên nợ với nhau hay tại không ai hứa hẹn gì với ai? hay có lẽ tại anh ví von chuyện mình như chuyện của Ngưu Lang và Chức Nữ trên trời? Vạ miệng đấy anh. Lúc nói ra điều đó chắc anh không nghĩ rằng mình sẽ ngàn đời cách biệt và không bao giờ gặp lại như bây giờ.

Tình yêu đến với anh và em như một sự tình cờ và ra đi quá đổi tự nhiên, mà bỗng dưng mình chấp nhận như một sự việc đã rồi. Có thể nói mình đầu hàng vô điều kiện, mình đã chia tay như một chuyện đương nhiên. Đến bây giờ Hương vẫn còn thắc mắc tại sao không ai tranh đấu hay cố gắng làm một cái gì đó để có nhau trong đời? Nhiều khi Hương nghi ngờ anh và chính mình. Có thật sự là yêu nhau không, khi cả hai đều buông xuôi theo số phận?


Như vậy đấy, anh ạ, em vẫn đang nhớ lại chuyện tình của mình ngày nào. Cái thưở xa xưa ấy nghĩ đến là em chảy nưóc mắt vì nhớ nhung, tiếc nuối. Giờ này anh ở đâu? có khi nào anh nhìn đến hai ngôi sao Ngưu Lang Chức Nữ mà nhớ đến ngày xưa? Sao anh chỉ cho em chuyện trăng sao trên trời làm gì và ví von như thế để giờ này mình mãi mãi xa cách nhau bằng một vòng trái đất hay bằng một giải ngân hà... Ngưu Lang và Chức Nữ còn được gặp nhau một năm một lần, anh và em thì đã xa cách ngàn trùng không bao giờ có dịp gặp lại.


Hương tự cho phép mình mỗi năm đến tháng Bảy mưa ngâu là ra sân để nhìn ngắm trăng sao và nhớ về quá khứ. Đôi khi Hương nghĩ thầm, hay tháng Bảy là ngày giỗ của mối tình ngày xưa đã chết. Không giải thích được, cũng không tìm cách đổi thay, Hương vẫn ra sân mỗi đêm hè oi ả và ngước nhìn lên trời để tìm kiếm hai vì sao và sống lại cảm giác xưa quen thuộc. Lòng vẫn ngậm ngùi và thương nhớ khi nghe lời nhạc, "... số kiếp hay sao, không cho bắt cầu
"…*

Vì gia đình, vì những người thân Hương sẽ không ... "xin sông nước để cho gần nhau"...*, nhưng trong lòng Hương vết thương sâu chắc không bao giờ chữa lành được. Trăng sao vẫn còn đó, dải ngân hà vẫn còn kia, chia cách không bao giờ gần lại thì Hương vẫn còn đây muôn đời gậm nhấm nỗi cô đơn một mình.


Nguyệt Hạ 
Mùa mưa ngâu 2010


** Nhạc phẩm Hẹn Hò, Phạm Duy