Sunday, August 28, 2016

Có Phải Là Duyên Nợ ...



Dung làm ca hai từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Buổi sáng vẫn đi học, có những ngày Dung đi thẳng từ trường đến sở làm. Vài ngày trong tuần Dung về sớm nấu cơm mang theo ăn ở sở. Việc làm quen thuộc, Dung làm giỏi được lên lương dần. Vui với gia đình bố mẹ, anh chị em và bạn bè trong chỗ làm, Dung quên dần chuyện cũ, lo làm lo học, và để dành tiền gửi về giúp người thân còn bên nhà. Vài năm như thế, năm học cuối Dung quen Hậu bạn học trong lớp,hai người hợp tính hợp nết và yêu nhau. Cả hai nghĩ đến chuyện cưới khi ra trường. Chỉ một trở ngại nhỏ. Hậu người ngoại đạo Dung thì đạo dòng. Dung không muốn ép buộc bạn trai của mình trong chuyện tín ngưỡng, nhưng Dung cũng không muốn lập gia đình với người ngoại.

Kéo dài gần nửa năm, hơi căng thẳng giữa hai người, đã có lúc Dung can đảm bàn đến chuyện chia tay. Hậu rất tha thiết muốn cưới Dung nhưng cũng không muốn theo đạo của vợ. Hai người thử chia tay một thời gian ngắn nhưng gặp lại vì không người nào chịu được cảnh chia xa. Cuối cùng Hậu chìu Dung và chịu khó đi học đạo cho đúng thủ tục làm phép cưới.


Thời gian này Dung hạnh phúc vô cùng. Chuẩn bị cho lễ cưới và thi ra trường. Bài vở tuy nhiều nhưng Dung chịu được nhờ có niềm vui khi thấy người yêu đã chìu theo ý mình để có thể làm bí tích hôn phối. Gần xong khóa học đạo, Hậu cần có người đỡ đầu khi chịu bí tích rửa tội ở nhà thờ.  Không quen ai nên Dung nhờ anh lớn Dung làm người đỡ đầu cho Hậu. Sau lễ rửa tội hai người bàn đến lễ cưới. Dung và Hậu vào gặp cha xứ để xin làm phép vào ngày đã định.

Cha xứ hỏi,
- Ai là người đỡ đầu của chú rể?
- Thưa cha, anh của con ạ. Dung trả lời.
- Thế thì hai người là anh em thiêng liêng với nhau rồi, làm sao mà cưới nhau được?

Nghe cha nói, hai người sững sốt, không nói nên lời. Lúc cần có người đỡ đầu trong nghi thức rửa tội, không ai nói cho Dung biết anh ruột không làm được vì sẽ trở thành anh em thiêng liêng! Dung chết lặng và Hậu cũng nghẹn lời. Hai người về hỏi ý Bố Dung,

- Tùy các con. Chuyện đã xảy ra như vậy, bố cũng không biết nói sao. Nhưng cha sở đã nói vậy thì ngài sẽ không làm phép cưới.

Hậu về rồi, mẹ vào phòng ôm Dung thật chặt. Trên đôi mắt đẹp của mẹ hai giòng nước mắt từ từ rơi xuống mặt Dung. Mẹ con khóc với nhau thật lâu, Dung cảm được tình thương yêu của Mẹ dành cho mình thật vô bờ bến. Không cần lời lẽ nào, chỉ cần mẹ nắm tay là Dung thấy cả một trời yêu thương che chở quanh mình. Thật rối trí, Dung chẳng biết tính sao. Hậu chịu theo đạo để cưới Dung sao bây giờ lại xảy ra như vậy? Hậu để Dung quyết định vì tôn trọng tín ngưỡng của Dung. Bố để tùy ý con, mẹ cũng không bàn thêm. Cân nhắc suy nghĩ, cuối cùng Dung quyết định ngừng chuyện cưới hỏi. Cuộc đời sao có những chuyện oái ăm ...


Dung và Hậu không cưới nhau cũng không tiếp tục yêu nhau được khi tự nhiên trở thành anh em thiêng liêng! Chuyện tréo cẳng ngỗng tự nhiên xảy ra. Hai người ở trong tình huống dở khóc dở cười. Dung đau khổ vô cùng và Hậu cũng không kém. Một ngày nọ Dung nghĩ, hay mình đi lấy chồng để cho Hậu yên tâm lấy vợ, không lẽ cả hai ở vậy suốt đời? Ý nghĩ đó loay hoay trong đầu Dung hoài, chẳng biết tính sao. Dung không liên lạc với Hậu và cũng không biết làm sao để nói với Hậu ý muốn của mình.


*****

Ed cũng hoàn thành chương trình học cùng một lần với Dung. Lâu nay Dung tránh mặt, không liên lạc với Ed, bây giờ ra trường rồi, có việc làm đàng hoàng, Ed muốn gặp lại và có ý muốn cưới Dung. Trong lúc quá thất vọng, Dung nhận lời lập gia đình với Ed. Dung tự bào chữa cho quyết định của mình làm vậy để Hậu có thể tự do đi lấy vợ. Đám cưới Dung có gửi thiệp mời nhưng Hậu vắng mặt. Không cần phải nói, cô dâu chẳng có vui vẻ gì, chỉ tội cho chú rể, dưng không lấy một cô vợ có tâm sự buồn.


Ngày qua ngày, Dung trong cuộc sống mới mà tâm hồn bị chia đôi. Ed rất thương yêu chìu chuộng vợ con và Dung cũng hết lòng với chồng con. Hai người có một trai một gái xinh xắn ngoan ngoãn. Dung cố gắng làm tròn bổn phận làm vợ làm mẹ nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu nỗi niềm riêng. Cuối tuần, vợ chồng con cái đi nhà thờ, Dung vẫn thấy Hậu đứng ở hàng cuối. Hậu không lập gia đình, một mình tham dự thánh lễ không vắng mặt lần nào. Những lúc vô tình hai ánh mắt chạm nhau, Dung quay đi thật nhanh. Đã nhiều lần Dung không muốn đi lễ Việt Nam nữa nhưng không muốn có sự thay đổi nên vẫn kéo dài sự chịu đựng.


Ed đối xử với Dung rất tốt và tôn trọng nỗi đau buồn của vợ.  Ed càng tế nhị bao nhiêu, cùng với sự im lặng của Hậu, Dung càng buồn bã bấy nhiêu. Mấy mươi năm qua, Dung vẫn cầu nguyện xin bình an cho chồng, cho các con và cho Hậu. Dù thế nào đi nữa, Hậu vẫn là một người thân trong đời Dung. Không ai có ý trách móc hay đổ tội, nhưng đôi khi Dung tự nghĩ, có phải mình đã quá hấp tấp từ chuyện tìm người đỡ đầu cho Hậu, đến chuyện ngừng đám cưới giữa hai người, hình như Dung chưa hỏi ý các cha cho đến nơi đến chốn mà tự quyết định một mình ...


Chuyện được kể lại với tất cả lòng quý mến các nhân vật. Vị cha cố và bố mẹ Dung đã qua đời hơn hai mươi năm qua, hai người con của Dung và Ed đã lớn khôn thành nhân thành tài. Những người trong cuộc vẫn còn và sống trong tình thương của cộng đoàn. 


Nguyệt Hạ
Mùa Thu 1989

Friday, August 12, 2016

DANA POINT, CA




DANA POINT HARBOR - CA



Dana Point Harbor, một nơi cách Los Angeles gần 60 miles về hướng nam. Gần bên cạnh là bãi biển Doheny, nơi có chỗ tắm biển và cắm trại qua đêm. Tôi đi nơi này nhiều lần nhưng vẫn muốn trở lại mỗi khi có dịp.

Ở đây có chỗ bán vé cho mình đi cruise ra khơi ngắm cá whale hay tàu chở mình đi câu cá, có tàu chở đi đảo Catalina và có chỗ cho mướn thuyền nhỏ chèo trên biển. Quanh đó có nhiều nhà hàng nổi tiếng, bãi đậu xe được bốn giờ đồng hồ miễn phí rất rộng. Ngày tôi đến Dana Point Harbor, các em trong đội YouthGuard của Quận Cam đang ăn trưa cùng nơi chúng tôi. Sau đó các em xuống tập dưới biển. Có điều kiện tập bơi như vậy thật tốt, vì nơi tôi, lớp học LifeGuard chỉ tập trong hồ.


Có một cây cầu lớn nối từ bên này bờ sang bên kia. Lần nào cũng vậy, sau khi ăn trưa, chúng tôi đi bộ trên cầu để sang công viên nhỏ. Đầu cầu bên kia có một khoảng đất dài, vài cây bóng mát, bàn ghế và lò nướng để làm picnic, ngồi ngắm cảnh hay đi dạo, gió biển thổi vào rất mát. Ai không thích đi bộ thì lái xe, cũng có bãi đậu xe không trả tiền.


Đi trên cầu nhìn xuống như thế này:

DANA POINT MARINA



Nơi công viên nhỏ nhiều người đi dạo, ngồi đọc sách, ngắm biển và tàu bè qua lại.Có một cây hoa gì (không biết tên), gốc xẻ làm hai một bên xà sát đất, nhìn hay hay.










 


Nhiều người chơi paddle boarding


Trở lại bên kia cầu, ra khỏi khu harbor, lái xe ra ngoài, tay phải là hướng biển Doheny có khu cắm trại, hướng tay trái đi một đoạn ngắn sẽ gặp Baby Beach, nơi nước cạn cát mịn cho các em nhỏ tắm và có chỗ cho mướn paddle boarding (không biết tiếng Việt món chơi này gọi là gì?) Gần Baby Beach có Ocean Institute, tôi đến nơi đã quá giờ nên không vào được.

BABY BEACH - DANA POINT


Gió biển thổi mũ áo tung bay,
 xém tí nữa tôi có hình giống như hình Marylin Monroe rồi đó


Không khí biển trong lành làm mình thấy khỏe và thoải mái. Vài năm trở lại một lần nhưng lúc nào tôi cũng có tâm trạng háo hức như lần đầu.


Tôn Nữ Thanh Dương
Tháng Tám 2016



*** JON'S SEAFOOD MARKET

Quán ăn bình dân nhưng hải sản tươi, ngon và giá cả phải chăng. Bạn có thể chọn, cá nướng hay chiên, và họ có bán cá tươi để mình mua về. Có nhiều tiệm quán sang trọng quanh vùng này nhưng lần nào trở lại, chúng tôi cũng đến đây.


Fish taco & seafood combo


Monday, August 8, 2016

Khi Nào Mình Gặp Lại Nhau




Đang mải mê trên phím đàn chợt thấy bóng người thấp thoáng trước cửa phòng tập, Dung ngừng lại mở cửa, Ed đứng bên ngoài, tươi cười chào hỏi,
- Hi Dung, can I come in?
Không hiểu Ed muốn vào làm gì nhưng lịch sự, Dung nhích sang một bên chừa lối. Vào bên trong Ed đưa Dung mấy bản nhạc,
- Today is my birthday and this is my birthday gift to you!
Rất ngạc nhiên vì món quà bất ngờ, Dung thấy vui và cảm động.
- Happy birthday to you. And you bought me a gift? Thanks so much.
- You are very welcome.

Ed, một người bạn trong lớp piano ở trường đại học Dung mới quen được vài tuần nay. Trong lớp mình Dung người Việt, còn lại toàn Mỹ trắng, và hai cô Nhật cùng ba cô Đại Hàn. Mấy cô này đã đi dạy piano ở nước họ, vào đây học để lấy credit dễ dàng. Dung học piano từ hồi còn ở quê nhà nhưng từ ngày đi đến nay chưa có dịp tập lại. Bây giờ có cơ hội lấy lớp học thêm vừa ôn lại vừa được tính điểm.

Tuần trước trong lớp có giờ kiểm tra, vài người Mỹ lên đàn những bài nhạc quen thuộc, thầy Vinh dạy Dung từ ngày đó. Dung cho Ed biết đó là những bài mình thích. Không ngờ Ed để ý và hôm nay mua tặng Dung. Một niềm vui nhẹ chợt đến trong tâm, ít ra nơi xứ sở này cũng có những niềm vui nhỏ đủ để mình cảm thấy không đến nỗi lẻ loi lắm. Bao lâu nay đi học, cứ một mình lủi thủi đi đi về về, không có một người Việt nào làm bạn, ngoại quốc thì cứ chào hỏi xã giao chứ chưa có ai thân thiện.
- You said today is your birthday, can I buy you lunch?
Ed hơi ngập ngừng,
- I didn't mean that, you don't have to.
- I don't have to but I want to. Let's celebrate your birthday.

Dung trả chìa khoá phòng tập cho văn phòng và chở Ed ra nhà hàng. Dung dành cho Ed quyền lựa chọn nơi Ed thích. Nói chuyện vài câu Dung biết Ed chỉ mới 19, từ tiểu bang Michigan sang Cali học đại học ngành âm nhạc. Ed vừa học vừa làm bán thời gian trong tiệm bán nhạc cụ và share phòng trong nhà một người đàn ông nọ. Ed không có xe và lấy xe bus đến trường hàng ngày. Dung cảm thấy bất mãn những bậc cha mẹ bên Mỹ này, con cái chỉ mới 18 tuổi đã ra khỏi nhà phải tự lo lấy, làm sao tránh được chuyện sa ngã, hư hỏng khi bị dụ dỗ và mua chuộc, rồi làm sao có được chỗ ăn chỗ ngủ đàng hoàng nếu chúng không có được việc làm ổn định?

Một tuần ba buổi học chung, Dung và Ed trở nên thân thiết. Lớn hơn Ed năm tuổi nên đôi khi Dung lo lắng cho Ed như người chị lo cho em, dù bề ngoài Ed cao lớn hơn Dung rất nhiều. Dung thường chở Ed đến nhà ăn cơm Việt nam, cũng có lần Ed lãnh lương nấu spaghetti đãi Dung. Lần đó, sau khi ăn xong, dọn dẹp bếp núc sạch sẽ cho chủ nhà, hai người vào phòng Ed nghe nhạc. Trong phòng vừa vặn chỗ cho một tấm nệm nhỏ đặt dưới đất. Hai người ngồi trên tấm nệm và tự nhiên cứ như nam châm hút lấy nhau. Cảm giác cháy bỏng chưa bao giờ có. Hai người quấn quít không rời, lần đầu tiên Dung thấy thân hình một người thanh niên đẹp như vậy. Người Ed cứ như tượng thần David. Dung nhìn ngắm không chớp mắt làm Ed ngượng ngùng... Quấn quít với nhau thật lâu, Dung hôn Ed và thì thầm,
- We have to stop here.
- Why, I love you, you love me. Why do you want to stop?
- Because I am older than you. We don't want to do anything we might regret later.
- I will not be that way. I'm happy with you now, why do we worry about later?

Hai nền văn hóa khác biệt nhau nên khó giải thích cho Ed hiểu ý Dung. Đối với Ed, người Mỹ, trai gái yêu nhau thì cứ tự do. Còn Dung tuy còn trẻ nhưng đầu óc cổ hủ, cứ nghĩ phải để dành cho người mình sẽ thành vợ chồng sau này. Quả là xưa như trái đất. Dung dứt khoát đi về. Ed ngạc nhiên tưởng Dung có điều gì giận dỗi, Dung phải giải thích nhiều lần cho Ed hiểu người VN như vậy, chẳng có gì giận hờn cả.... Có lẽ Ed nghĩ Dung cao giá.

Hai người vẫn gặp nhau ở lớp và Dung tránh không đến nhà thăm Ed nữa. Dung cũng buồn nhưng tự nhủ thầm, Ed không phải của mình. Hãy để cho Ed có bạn gái ngang hàng. Mình lớn hơn Ed, có kéo dài tình bạn này rồi cũng không đi đến đâu. Mùa hè đến, Dung chuẩn bị đi xa thăm bà con, khi nghe tin Ed buồn bã nói,
- I know you will have good time with your cousin. I will be lonely here.
- I will call and come to visit you when I come back.

Trước ngày Dung đi, Ed mang đến một con gấu nhồi bông màu nâu thật lớn tặng Dung và một tấm thiệp thật đẹp, trong đó Ed viết tay nét chữ đẹp phóng khoáng,
- Hold the bear when you miss me, I will miss you when I'm alone here. Ed.

Thật là cảm động khi có người nghĩ đến mình trong lúc đi xa. Suốt chuyến đi Dung cũng nhớ và nghĩ đến Ed nhiều. Gần đến ngày nhập học Dung về lại thành phố, suy nghĩ mãi và quyết định chia tay với Ed. Dung hy vọng thời gian sẽ giúp cho hai người quên đi chuyện này. Ed còn quá trẻ, người thanh niên đó sẽ gặp người cùng trang lứa và cùng màu da. Dung không bao giờ muốn lập gia đình với người ngoại quốc, sợ những điều khác biệt sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình sau này.

Trở lại trường, mỗi lần đến lớp Dung nhớ đến những kỷ niệm với Ed. Cố tình tránh mặt, Dung không lấy lớp piano nữa dù rằng rất thích học đàn. Đành chịu thôi, nếu lấy lớp đàn thì sẽ gặp Ed, làm sao mà chia tay được. Dung buồn bã và chịu đựng nỗi nhớ nhung day dứt hàng ngày. Từng buổi ăn trưa một mình, Dung nhớ lại khi có Ed, sau giờ học buổi sáng, hai người thường ăn với nhau và sau đó cả hai đi làm. Những ngày cuối tuần, đi park, đi biển, có khi đi cắm trại..., lúc nào cũng có Ed bên cạnh. Biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Ed chìu chuộng theo ý Dung, hiền lành và luôn làm Dung vui... Hai người chưa bao giờ cãi nhau lần nào. Nghĩ lại, Dung cũng tiếc, biết sau này mình có gặp được người hạp tánh như thế không?

Dung cố tìm quên trong việc học, lấy nhiều lớp hơn, cùng với công việc hầu như Dung không còn giờ để nghĩ ngợi. Mỗi lần tập nhạc với cây đàn organ điện mua ở tiệm nơi Ed làm từ ngày mới quen nhau, nỗi nhung nhớ vẫn thoáng hiện trong tâm trí. Thỉnh thoảng Dung chơi lại những bài nhạc Ed tặng, nốt nhạc nào cũng đượm âm hưởng của tình yêu lãng mạn ngày nào. Cặp mắt đen của con gấu bông màu nâu vẫn lặng lẽ nhìn Dung như hỏi thầm, khi nào mình gặp lại nhau...


Nguyệt Hạ
Mùa Hạ 1989