Friday, November 17, 2017

HISTORIA DE UN AMOR - Carlos Eleta Almarán





Chuyện Tình Yêu  - Histoire D'un Amour - Cs Ngọc Lan

 

HISTORIA DE UN AMOR - Carlos Eleta Almarán

Chuyện Tình Yêu - Lời Việt: Phạm Duy

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ
Mình làm quen nhau trên đường vắng khuya
Dìu nhau qua bao nhiêu hè phố mưa
Ngồi ôm nhau công viên lạnh giá...

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đầy mộng mơ
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy thật kiêu sa
Và trần gian thênh thang chỉ có ta
Mình cho nhau yêu thương rồi xót xa
Rồi chia ly rồi đến phôi pha...

Đến bây giờ anh đã là cánh trắng chim bay sâu chân trời
Đến bây giờ em đã là bóng dáng cô liêu trong ngậm ngùi
Đến bây giờ em vẫn buồn nhớ...
Đến bây giờ anh xóa tình cũ
Đến bây giờ em hóa tượng đá
Đứng thiên thu trong mong đợi chờ...

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy giờ còn đâu?
Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy thành thương đau
Một mình em lang thang đường phố khuya
Tìm anh trong công viên đầy gió mưa
Kỷ niệm ơi đừng chết trong ta...


Thursday, November 16, 2017

HOA TRÁI MÙA THU






Tháng mười một, trời đất xám xịt, thỉnh thoảng có vài tia nắng yếu ớt sáng lên đôi phút rồi lại bị mây che đi. Vậy mà vườn nhà vẫn có hoa, có trái, màu sắc đậm đà trong khung cảnh ảm đạm buồn thiu.

Bên cạnh hoa hồng các thứ, còn có các loại hoa khác. Năm nay cúc vàng được mùa, rất nhiều, rất đẹp. Hoa không lên cao được nên lăn đùng ra đất nằm vạ. Thân cúc yếu dòn nên ngả nghiêng ngả ngửa... Chống đàng này cây ngả đàng kia, đành chịu thua, Thôi thì cho bọn cúc muốn dựa đâu thì dựa, muốn nằm ngồi đâu tùy ý.




Trong góc vườn có một cây xoài bị bỏ quên từ nhiều năm trước, vì hết đất trồng, nên vẫn để trong chậu. Mùa xuân vừa qua thấy tội nghiệp dù không chăm sóc cây vẫn vươn lên cao, không đủ nước nhưng cây vẫn sống, thế là mang ra hạ thổ. Vậy mà cây cho trái, mùa đầu nên chỉ vài trái, và có một trái rất lớn. Nhìn trái xoài khổng lồ treo cạnh mấy trái bình thường thật lạ mắt. 

Năm nay ngoài hoa cúc có nhiều, cây ổi cũng có hàng trăm trái. Quá nhiều, có nhiều cành trĩu nặng và gãy ngang trước khi mình kê cây chống đỡ. Mình đã hái mấy thùng mang chia cho chị em và mang vào sở, vậy mà vẫn còn. Và giàn chanh dây vẫn sum suê hoa lá, trái không nhiều nhưng vẫn có lai rai, thích lắm.

Thêm chục trái lựu lớn từ cây nhà chị. Mùa này trời lạnh, lại được mùa trái cây và hoa. Hy vọng sẽ có hoa cho đến Tết.



  

Saturday, November 11, 2017

PERSIMMON PUDDING



Bánh Trái Hồng 




 Hàng năm đến khoảng lễ Tạ Ơn, Nguyệt Hạ thường được anh chị cho rất nhiều quả hồng dòn và hồng mềm. Nhà anh, nhà chị ai cũng trồng cây hồng và rất sai trái. Năm nào cũng có nhiều, ăn không kịp, trái chín mềm rục có khi hư phải bỏ đi rất phí.

Nguyệt Hạ làm bánh thấy rất ngon, xin chia xẻ với các bạn cách làm.

 



Vật liệu:

4 quả hồng lớn, chín mềm (hồng mềm hay hồng dòn)
1 cup sữa tươi
2 trứng gà, đánh tan
2 tbsp bơ, để cho chảy
1 cup bột mì
1/3 cup đường (có thể dùng ít hơn vì quả hồng đã ngọt sẵn)
1 tsp bột nổi
1/2 tsp bột quế
1/2 tsp muối
1/2 tsp vanilla (tùy ý)

Cách làm:

1. Cắt đôi quả hồng, dùng muỗng lấy thịt hồng cho vào tô, bỏ vỏ, bạn sẽ có khoảng 2 & 1/2 cup. Dùng nĩa (hay cái dầm) dầm cho trái hồng ra miếng nhỏ, không cần nhỏ lắm.



2. Cho sữa, trứng, bơ vào tô hồng trộn đều.

3. Trộn bột, đường, bột quế, bột nổi và muối vào tô khác, sau đó cho hỗn hợp bột vào tô trái hồng trộn tất cả với nhau, (tùy ý bạn nếu muốn dùng vanilla).

Cho vào khuôn đã tráng dầu chung quanh:





4. Đặt khuôn vào lò nướng 350 độ F, khoảng 30 - 40 phút là được. Sau 20 phút, lấy giấy bạc để lên mặt vì trái hồng ngọt rất dễ cháy (không cần bọc chung quanh khuôn). Độ sau 30 phút thử bằng cây tăm hay mũi dao, nếu lấy ra không dính là bánh chín. Nếu chưa được, để thêm khoảng 5 phút và tbử lại.

*** Tùy mỗi lò nướng khác nhau, các bạn canh chừng vì bánh rất dễ cháy. Khi bánh gần chín nếu mặt bánh chưa đậm màu, lấy giấy bạc ra, để thêm trong lò chừng 5 phút nữa là được.

*** Bánh thuộc dạng mềm, hơi ướt. Nếu thấy bánh ướt quá, để không đậy vài giờ, bánh mất hơi nước sẽ khô hơn.







Bánh ngon, mềm và rất thơm. Bạn cũng có thể dùng kèm với kem.




(Nếu không có hồng, bạn có thể làm với trái lê hay táo cũng rất ngon.)


Chúc các bạn thành công.

Nguyệt Hạ





Sunday, November 5, 2017

TIẾNG GỌI MẸ





 


Có một người Mẹ trẻ nói cùng tôi
Khi sinh con ra tuổi còn quá trẻ
Nhìn con trong nôi không xưng là Mẹ
Cũng chưa dám một lần gọi đó là con

Hạnh phúc nầy Mẹ quá đỗi ngạc nhiên
Như bỗng dưng vàng ròng rơi vào túi
Tiếng gọi con ngập ngừng qua lời nói
Mình đây sao? Mình là Mẹ đây sao?

Thời gian qua con biết nói lời đầu
Con gọi “Mẹ “ như trời cao sắp sẵn
Đến lúc đó Mẹ nghe lòng thanh thản
Nhận ra mình vừa hết một cơn mơ

Con là con của Mẹ tự bao giờ
Dây thân ái buộc nhau từ kiếp trước
Dù cản ngăn không bao giờ ngăn được
Bởi con gắn liền từ nhau Mẹ mà ra

Có một người xạ thủ bạn tôi xưa
Kể chuyện cũ ra pháp trường xữ bắn
Khi đạn vừa bay ra khỏi đầu khẩu súng
Là nghe vang rền hai tiếng “Mẹ ơi”!

Tiếng Mẹ ơi! Mừng rỡ hay ngậm ngùi
Từ đầu cuộc đời hay khi kết thúc
Mãi là tiếng kêu từ trong máu thịt
Của người con mang ơn Mẹ ngàn thu!

TRẦN KIÊU BẠC 
(nhân Lễ Mẹ Tháng 5)

THƠ BỐN CÂU


THƠ BỐN CÂU 
(DÒNG THƠ TIẾP NỐI)


Giai thoại Thơ Đường Trung Quốc có kể chuyện “Bốn Câu Là Đủ Ý”: Có một chàng thư sinh trẻ tên Tố Vịnh quê ở Lạc Dương đến Tràng An dự kỳ thi Hội.
Đề thi được ra là “Chung Nam vọng dư tuyết” (dịch nghĩa: Núi Chung Nam ngắm tuyết còn sót lại). Thí sinh phải làm bài thơ năm chữ tả cảnh gồm sáu vần trong mười hai câu.

Tố Vịnh suy nghĩ và trầm ngâm, sau cùng chỉ viết ra bốn câu như sau:

(phiên âm Hán Việt)
Chung Nam âm lĩnh tú
Tích tuyết phù vân đoan
Lâm biểu minh tễ sắc
Thành trung tăng mộ hàn.

(dịch nghĩa)
 Đỉnh phía Bắc núi Chung trơ trụi
Mây và tuyết thường đọng lại
Phía ngoài rừng ngày sáng rỡ
Trong thành thì giá buốt hơn.

Viết xong, Tố Vịnh đứng lên nộp bài. Quan chủ khảo xem, ngạc nhiên hỏi: Sao không làm trọn mười hai câu? Tố Vịnh cười nói: “ Khi làm thơ viết văn, đáng đi thì đi, đáng dừng thì dừng. Ý tôi đã hết, há có thể lải nhải viết bừa cho đủ số câu?”

Theo trường qui, với bài thơ thiếu tám câu, Tố Vịnh sẽ bị đánh rớt. Nhưng quan chủ khảo sau khi thấy lạ, đọc kỹ bài thơ thì thấy dù chỉ bốn câu, thí sinh đã tả cảnh rất hay, từ ngọn núi đến rừng cây, từ ngày sáng đến chiều tà qua cái lạnh khi tuyết xuống. Ý thơ toàn vẹn, quả là thơ hay!
Ông cảm kích bèn tâu Vua, đề nghị phá lệ, cho Tố Vịnh đỗ Tiến Sĩ. Việc đó thành một giai thoại trong thi cử ở Trung Hoa. Sau nầy bài thơ của Tố Vịnh được tuyển vào Đường Thi Tam Bách Thủ, thành một kiệc tác được lưu truyền dài lâu. 
(theo Hoài Anh/ Giai Thoại Thơ Đường và Tác Giả/ Nhà Xuất bản Văn Nghệ 2002)


“Bốn Câu Là Đủ Ý”, tôi suy nghĩ hoài! Vâng, thì không cần nhiều, chỉ cần bốn câu thôi!     
Tôi sẽ đưa ra vài bài bốn câu, không dám cho là Tứ Tuyệt vì dù muốn tạo ngạc nhiên hay gây ra cái mới ở câu cuối vẫn thấy đâu đó ý thơ còn vụng về, luật thơ chưa thể chỉnh như thơ cổ, và việc gây thỏa mãn cho người đọc chắc không thể chu toàn, nên chỉ dám mạo muội gởi đi như sau:

TỨ TUYỆT

Làm thơ viết chỉ bốn câu
Như phòng kín cửa như lầu một căn
Như giày vừa khít bàn chân
Vẫn tròn đủ ý dẫu văn ít lời.

ĐẾM LẠI THỜI GIAN

Chia tay năm ấy bảy mươi lăm
Giờ chừng đã quá bốn mươi năm
Dẫu ngày dài thêm hay ngắn lại
Chờ nhau trăng khuyết tới trăng rằm.

PHÂN NỬA

Cà phê rơi giọt nửa ly
Bước thêm nửa bước thầm thì nửa câu
Tóc xanh bạc nửa mái đầu
Tình yêu xẻ nửa cho đau nửa đời!

MỘT CHÚT THỜI GIAN

Một sát na hạnh phúc
Bằng cả đời hy sinh
Cả đêm nằm thao thức
Chờ sát na bình minh.

TẾT
Phải chi trở lại khi mười tuổi
Áo mới xênh xang chẳng biết buồn
Bây giờ tóc pha màu sương khói
Đón Tết xa nhà nước mắt tuôn!

BỖNG GẶP MÙA XUÂN

Mai vàng chợt nở quanh đây
Dù là hoa giả cũng bày sắc Xuân
Tết như còn lạc bước chân
Mà Xuân vẫn đến theo vần thơ say!

TỰ HỎI LÒNG MÌNH

Sao tình đi lạc mới tìm nhau?
Quên lúc bên nhau thuở ban đầu
Tìm nhau mới biết tình đi mất
Tình đã xa rồi mới biết đau!

NÓN HUẾ

Huế ơi sao có nón bài thơ?
Khuấy động tim ai lúc đợi chờ
Thơ đan trên nón thơ mời gọi
Xa nón rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ!

TẠI MƯA

Mưa làm anh ướt loi ngoi
Làm sao găp được mà đòi gặp em
Mưa làm em ướt lem nhem
Áo em ướt mỏng không thèm gặp anh.

BÊN MỒ MẸ

Ngồi bên mồ Mẹ cỏ còn xanh
Mất Mẹ như dao cắt thân mình
Cỏ đã thay màu nay vàng úa
Vết thương vẫn đỏ mãi không lành.

MỴ CHÂU

Yêu thương đến thác vẫn còn
Dấu lông ngỗng trắng vết son không mờ
Mặc ai dối gạt tình thơ
Thuỷ chung một kiếp đợi chờ ngàn năm!

TRỌNG THUỶ

Tạ tình anh khóc khúc Mỵ Châu
Một nỏ oan khiên mấy gánh sầu
Non nước chưa tàn cơn khói lửa
Anh dìm tình hận đáy giếng sâu!

NHỚ THẦY 1
(tưởng nhớ mà không khóc như lời Thầy Nguyễn Xuân Hoàng dặn)

Ngập ngừng Thu mới ghé qua đây
Lá ngập ngừng rơi tiếc nhớ Thầy
Nửa gánh văn chương chưa thoả chí
Một đời giáo chức đã tròn vai.

NHỚ THẦY 2

Biền biệt xa “Căn Nhà Ngói Đỏ”*
Cô độc như “Người Đi Trên Mây”**
Ai tiếc ai thương xin gởi lại
Thầy đi phủi sạch nợ trần ai!

BUỒN MỘT MÌNH

Đun thêm vài que củi 
Cho ngọn lửa bùng lên
Tưởng buồn thành tro bụi
Mà buồn vẫn y nguyên.

NỮ TIẾP VIÊN

Quanh em tràn ngập tiếng cười
Tràn ly bia lạnh ngập mùi đàn ông
Đêm đêm trang điểm má hồng
Soi gương mới biết mình không nụ cười!

CUỐI NĂM

Nhìn tờ lịch cuối sắp rơi
Một năm sắp hết một đời sẽ qua
Lạ thay vẫn nhớ quê nhà
Năm nào cũng vậy cũng ta với mình!

CHÔN THƠ

Thử chôn thơ vào đất
Xem thơ chết được không
Nào ngờ thơ không mất
Mà nở hoa trắng đồng.

HẠNH PHÚC

Cây hạnh phúc lang thang hoài đâu đó
Đôi tay trần tìm mãi chẳng được đâu
Hay hạnh phúc mất đi rồi mới có
Không bây giờ không cả đến ngàn sau!

TRONG MƠ

Nằm mơ thấy Mẹ còn xanh tóc
Tay dắt con đi đến cỗng trường
Xa Mẹ mấy giờ mà con khóc
Giờ xa muôn kiếp mãi còn thương!

BÀ TẮM CHÁU
(kính tặng quý Bà Nội Bà Ngoại)

Hôm nay tắm cháu sạch trơn
Ngạc nhiên thấy cháu dài hơn thường ngày
Áo quần chật chẳng kịp thay
Bà mong cháu lớn lòng đầy niềm vui.

XÍCH LÔ
Người ta hai bánh ngược xuôi
Có người bốn bánh cười tươi bốn mùa
Còn mình ba bánh sớm trưa
Đạp đôi chân mỏi may vừa đủ ăn!

QUẬN BƯỞI 

Nghe nói Quận Cam thành Quận Bưởi
Từ ngày thẩm mỹ bước lên ngôi
Vòng một không còn vòng một nữa
Sửa to nên đáng gọi vòng mười!

EVA và ADAM

Cầm tay trái táo ngập ngừng
Nửa như muốn cắn nửa mừng nửa lo
Một bên nhận một bên cho
Adam chìm đắm bên bờ Eva!

TIẾC 
(theo Ca Dao Việt Nam)

Thương em anh nối sợi dây dài
Thả đo lòng giếng thử đêm ngày
Đắn đo chưa biết sâu hay cạn
Giếng cạn nên đành tiếc sợi dây!

TẠM NGƯNG

Thơ bốn câu chuyên chở buồn vui
Buồn nghe thơ hát khúc ngậm ngùi
Vui thấy cuộc đời như trẻ lại
Bốn câu ngưng đọng nét son tươi!

* và ** là 2 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng


TRẦN KIÊU BẠC 

TRONG VÒNG TAY HUẾ



Chân chạm Huế rồi, Huế của ai!
Không còn mơ nữa giấc mộng dài
Huế đã đưa tay cho mình nắm
Lần đầu ôm Huế sướng từng giây

Huế đã trở mình lúc tinh sương
Hoà trong máu thịt khúc yêu thương
Nắng chợt lên cao vàng buổi sớm
Mưa vội hắt hiu xám phố buồn

Đêm lắng sông Hương sầu tiếng nhạc
Giọng Huế hò cao vượt cõi mây
Cung Thứ làm lòng mình se sắt
Đàn rơi ốt dột những âm giai


Huế sẽ vì ai nở sắc tươi
Huế đã không quên lúc ngậm ngùi
Huế của ngàn năm luôn mãi Huế
Lắng trong đau khổ đọng niềm vui

Muốn cầm tay Huế giữ thật lâu
Thì thầm với Huế một đôi câu
Mai mốt có đành chia tay Huế
Thương tiếng “ Dạ Thưa” đến bạc đầu

Da Huế mềm như tuổi hai mươi
Mắt Huế điểm trang sắc rạng ngời
Ai đã cho đi niềm lưu luyến
Huế của ai, giờ Huế của tôi!

TRẦN KIÊU BẠC


(gặp Huế đầu năm 2017)