Sunday, June 30, 2013

MƯỜI ĐIỀU LÃNG PHÍ

Mười điều lãng phí..



alt
Để hoàn thành cuộc đời có ý nghĩa,
bạn chớ coi thường một trong 10 điều thiết yếu sau.
Đó là những điều người ta hay lãng phí thay vì tận dụng nó.
1. Sức khoẻ: 
Lúc còn trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề. Họ làm như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống không điều độ. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.
2. Thời gian: 
Thời khắc "vàng ngọc" qua đi không thể lấy lại được.
Vậy mà không hiếm kẻ ném giờ làm việc qua cửa sổ.
Mỗi ngày, hãy nhìn lại mình đã làm được điều gì.
Hãy xem lại quỹ thời gian của bạn nhé!
 3. Tiền bạc: 
Nhiều người có tiền là mua sắm, tiêu xài vội vã hoang phí.
Đến khi cần một số tiền nhỏ, họ lại phải đi vay mượn.
Ai không biết tiết kiệm,
sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.
4. Tuổi trẻ: 
Là quãng thời gian con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ
để làm những điều lớn lao.
Vậy mà có người đã quên mất điều này.
"Trẻ ăn chơi, già hối hận" là lời khuyên dành cho những ai
phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.
5. Đọc sách: 
Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm điếc,
khoa học tê liệt, tư tưởng và suy xét ứ đọng.
Nhờ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú.
Thật phí "nửa cuộc đời" nếu bạn lười đọc sách !
6. Cơ hội: 
Cơ hội là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời.
Cơ may có thể biến bạn thành giám đốc hay một tỷ phú.
Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay,
bạn khó có thể tiến về phía trước.
7. Nhan sắc: 
Là vốn quý nhất của phụ nữ. Có nhan sắc,
bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác.
Tuy nhiên, "tuổi thọ" của nhan sắc có hạn.
Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.
8. Gia đình : 
Phụ nữ ngày nay theo trào lưu "chủ nghĩa độc thân".
Thực tế khi sống một mình, bạn rất cô đơn
và dễ cảm thấy thiếu vắng vòng tay yêu thương của chồng con.
Bận bịu gia đình chính là một niềm vui.
Sống độc thân, bạn đã lãng phí tình cảm đẹp đẽ ấy.
9. Du lịch: 
Một vĩ nhân đã từng nói : "Khi đi du lịch về,
người ta lớn thêm và chắc chắn trái đất phải nhỏ lại".
Đi một ngày đàng học một sàng khôn!
10. Học tập: 
Một người luôn biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công
hơn người chỉ biết tự mãn với những gì mình biết.
Nếu không học hành, bạn đang lãng phí bộ óc đấy !

SUC KHOE

bsnguyenyduc
 

Saturday, June 22, 2013

Hương Nắng







Hương Nắng

Thoảng cơn gió nồng nàn mùi nắng lạ
Tháng Năm về hong mật ngọt tình xa
Dấu yêu ơi nhớ hương tóc đậm đà
Hồn thơ thẩn quẩn quanh sao bối rối

Tình tháng Năm bỗng về như mời gọi
Giữa mùa xuân hoa lá mượt trên cành
Nắng rộn ràng một chút nắng bâng khuâng
Mắt ai đó sao dưng không xao xuyến

Ngập mùi nắng mùi hương nồng quyến luyến
Làm ai say say khướt nỗi đam mê
Ngã nghiêng trong từng vũng nhớ hẹn thề
Không giữ được con tim đang chìm đắm

Mê say nào đậm hơn môi ngọt đắng
Tóc tơ trời quấn quýt bước chân đi
Bờ vai mềm vụn vỡ mộng xuân thì
Không với tới vòng tay chừng xa thẳm

Ơi ... mùi nắng đến từ em lạ lẫm
Như hương tình ướt đẫm xác hồn anh
Nắng lung linh nhảy múa với cây cành
Anh choáng váng chòng chành say hương nắng

Nguyệt Hạ









Wednesday, June 19, 2013

BÀI VIẾT NGẮN CẢM ĐỘNG

BÀI VIẾT NGẮN CẢM ĐỘNG

.


Ước mơ
Chị mua giùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số, con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường
liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà
với chân trần, đầu không nón.


Phấn son
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm.
Mừng và thương. Mẹ khen: "Bạn gái con xinh."
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: "Mỹ phẩm
của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng
vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…"
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết
phấn son màu gì.


Nghỉ lễ
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học.
Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm.
Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ”.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh
nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: “Vậy là tết thằng nhỏ
nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa…”


Ngày cưới của cha
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn
200 cây số đường quàn quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách
lạy, cách đi đứng
như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba
đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng
mặt...


Lòng tin
Xe ngừng…
- Mận ngọt đây! ...
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
- Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá! ...
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho


Lời hứa
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng
xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt
thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: “Nếu con ngoan, tết năm sau chú
sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì
thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn
lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn
trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi…cả năm qua con ngoan…không
hư một lần nào…”


Ba
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học.
Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng
com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghĩ cho
khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao
nghe chát cả bờ môi.


Tình Bạn
Hai người đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc
tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiền chế được giơ tay tát
vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh
viết trên cát: " Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt
tôi ".
Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn
kia không may bị
chuột rút và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng
sợ, anh viết lên đá: " Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi ".
Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: " Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên
cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá? "
Mỉm cười, anh trả lời: " Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta
hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha
thứ... Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta lên khắc nó lên đá
như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa
nhòa được... ".
.....Hãy học cách viết trên cát và đá ...


Khoe
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?" .... Bố thấy con không
vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng
làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học & mong sau này con có được 1
nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt rồi lấy chồng.
Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Nhà
em làm luật sư nên lúc nào cũng bận"
Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố ...


Chuyện của nội
Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít...
Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu,
lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...
Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi
một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ
nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...


Nhạt
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã.
Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm.
Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn.
...Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai
còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta
bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá
nhạt.
Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...


Anh Hai
Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố mẹ giận dữ, mắng “
sanh ra.. Giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã
quyết thế!
Ngày bé Út vào đại học, phải xa nhà, lên thành phố ở trọ. Anh tự ý bán
đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út.
Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “
Út ráng học ngoan…”
Miệt mài 4 năm đại học, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào
công ty nước ngoài, lương khá cao. Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ
nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ
hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con
biết…”


Đưa đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo
nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: Sao không đón nội. Bố bảo: Bận quá.
Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ô tô đi đón.
Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố
bảo: Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.


Cua rang muối
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua
đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy
các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ,
các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối
mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!


Đợi
“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá
mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ.
Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ
thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo
ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông
không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà
vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về,
dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ
xa.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà,
đợi bà ngang qua…


Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để được đi du học.
Thư đầu viết: "Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
Cuối năm viết: "Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như bức tranh,
thích lắm…"
Mùa đông sau viết: "Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi
giữa phố xá bụi bặm, ồn ào. Nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần
trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt
không."


Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi
không đủ tiền trả, em luồn tay xuống gầm bàn, đưa tôi ít tiền. Vô tình
đụng tay em... Mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài
phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận
ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.


Ba
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước.
Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà
đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi
xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa
cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp:
“Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về,
xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…


Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình)
Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà,
thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông
táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng
má nó lớn giọng :
- Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!
Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :
- Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!


Nó (Quỳnh Châu)
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó.
Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại.
Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.
Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành : "Ngoại có đi
đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín.
Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo :"Mẹ có đi
đâu!Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ
thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.


Cái bóng (Hải Âu)
Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho
mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi
việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như
cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm.
Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra vào ngẩn ngơ như
thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khỏang trống.
Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu
đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà..



Bố và con (Trần Ninh Bình)
Anh phụ trách công việc giao tế ở một công ty, lúc nào cũng tươi tắn,
lịch sự và hòa nhã. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, buổi tối tắm rửa
xong, đang nằm đọc báo trên giường trải drap trắng toát thì con bé bốn
tuổi, mồ hôi mồ kê, chân tay lấm láp trèo lên. Anh cau mặt gắt con sao
không chịu đi rửa chân tay trước. Con bé mếu máo :" Bố ơi, từ sáng tới
giờ bố chưa mi con cái nào!"


Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và
anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông
năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có
nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận.
Chợt tôi lặng người đi vì người cha tôi đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi,
ông gượng nói : "Ba sợ các con còn giận mẹ...".


Mồ côi (Nguyễn Văn Hùng)
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm : Giá như mẹ đừng "đi
xa", thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chỉ có hai bố con
mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, nói : Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm
cho con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người
đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ : Giá như đừng có dì
thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên.


Ngày Sinh Nhật Đầu Tiên và Cuối Cùng - Diệu An
Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ
đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và
con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến:
Ông nội già yếu. Và cho đến một ngày, ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong
chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.


Lát nữa về (Phạm Thu Hiền)
Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị.
Chị dỗ dành :
- Nín đi con ! Lát mẹ về.
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó
nhìn chị, ngây thơ :
- Nín đi mẹ ! Con đi chơi với ba, lát con về..


Con trai (Linh Diệu)
Bà Nội sanh mỗi mình bố.
Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ.
Bé đã lên 5, thích có em trai lắm. Bố cũng vậy. Bà Nội thì khỏi nói,
lúc nào ôm Bé cũng thở dài : Phải chi...
Một hôm mẹ khóc - Rồi mẹ nằm vùi, lặng ngắt , xanh xao. Cả nhà tự
nhiên im ắng hẳn suốt tuần.
Bố với bà nội đem về cho mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn,
nhưng mẹ chẳng khỏe lên tí nào. Mẹ bảo : Bố đổi em bé bằng trái tim mẹ
đấy!


Vòng cẩm thạch (Jang My)
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn
nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi
cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường...Đến khi tay
mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiệc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh
thoảng lại ngắm nghía , cười :
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.


Cần thiết (T.T)
Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm
thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn
cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang,
nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã
bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi : "Anh có cần gì cứ nói,
em sẽ gởi về liền". Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp : "Anh chỉ cần em".


Nuôi mẹ (Nguyễn Thị Thao)
Con ở Đức về, giầu có, đón mẹ sang nuôi. Con dâu hồ hởi, cơm quà cho
mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới, quạt riêng. Mẹ như vàng.

Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần gũi, trò chuyện, lại gởi
quà về quê. Vợ nhìn soi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng
mắc. Lạnh nhạt... Mẹ thành bạc.

Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho... Chồng chăm mẹ. Một mình vất
vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng : "Xem thế nào đưa mẹ về quê
đi..." Mẹ thành rác vứt bờ tre.


Xót xa
Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con
tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa
– Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc
cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm
nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng.
Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
- Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa
lòng xào ra:
- Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào
thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm!
Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên
săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi !
               Bùi Ngọc Ẩn ( sưu tầm, giải trí cuối tuần)

Sunday, June 16, 2013

CHUYỆN QUẢ BÓNG BÀN




Chuyện quả bóng bàn


http://gifs.gifbin.com/042009/reverse-1239788628_ping-pong-girls.gif

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, hôm đó đi học về bị điểm kém, tôi chạy đến “thú tội” với ba. Ba tôi chỉ xoa đầu rồi nói “không sao đâu”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, mừng lắm, vì đó là một lần hiếm hoi mà mình không bị la khi phạm lỗi. Tưởng đâu mọi chuyện xong rồi, buổi chiều hôm đó, tôi đứng nép một góc nhà, nhìn ba và chú chơi bóng bàn. Bỗng quả bóng lăn xuống mặt đất, rồi lăn dài đến chân tôi. Khi đó ba tôi chạy đến nhặt quả bóng lên và đã nói với tôi rằng:
“Con nhìn quả bóng xem, nó rơi xuống, rồi lại bật lên cao, đó là quả bóng còn xài được. Còn khi quả bóng rớt xuống mà năm im, thì lúc đó phải bỏ nó rồi. Con người cũng vậy, vấp ngã rồi thì phải nhớ và biết đứng lên đó chỗ mình đã làm sai đó.”

Tôi biết lúc đó ba hơi ngà ngà say, nên mới nói những điều hơi cao xa như vậy với một đứa trẻ mới 12 tuổi đầu. Dù không hiểu hết ý mà ba muốn nói, nhưng tôi cũng đủ cảm nhận được chút gì đó quan trọng của những lời này, thế nên cứ sợ và nhớ mãi. Đến khi trưởng thành, đọc được nhiều chuyện hay ho, nhiều bài học dạy làm người trên sách báo, thì câu chuyện về quả bóng bàn của ba vẫn mãi in hằng vào trí nhớ của tôi như là một triết lý sống giản đơn mà vô cùng “đặc biệt”.

Biết bao lần tôi như quả bóng kia, rớt xuống mặt đất của cuộc đời, rồi lại bật lên cao để cố chứng minh là mình vẫn còn hữu dụng. Sống càng lâu, trải nghiệm càng nhiều, thì cuộc đời ai cũng phải có vài ba lần rớt xuống như thế. Nói như vậy là còn ít, vì có những người để bước đến thành công thì phải rơi xuống và bật lên không biết bao nhiêu là lần… Nhưng như thế cũng không có nghĩa là ai cũng có thể làm được như vậy, vì càng té đau, người ta lại càng dễ gục ngã.

Không phải quả bóng nào khi đã trượt ra khỏi mặt bàn thì cũng có thể may mắn được người chơi nhặt lên. Không phải con người nào sai lầm thì cũng có thể đứng lên mà làm lại.


Cuộc đời là vậy, đôi khi không thay đổi được gì thì cũng chẳng nên đổ lỗi cho bất kỳ ai, cứ bảo rằng là do số phận an bày cũng được. Nếu nỗ lực không thể đổi lại được đền đáp, thì thôi hãy tin rằng mình là một quả bóng kém may mắn trong cái xó xỉnh nào đó của cuộc đời!


Nguồn: Chuyện quả bóng bàn- Lính thủy,sưu tầm.





Thursday, June 13, 2013

Nhạc Sỹ Hoàng Châu




Khóc Thầy


Để tưởng nhớ Thầy Trần Hoàng Châu (1929 - 2013)



Nhạc sỹ Hoàng Châu
Người thổi sáo bằng mũi
trong khi có thể hút thuốc bằng mũi bên kia và miệng



1.
Cuối tuần rồi, mãi đến chiều Chúa Nhật tôi mới được tin thầy đã ra đi... Vửa kịp lúc đi lễ chiều, tôi dành buổi lễ cầu nguyện cho thầy của tôi. Không biết tại sao có sự trùng hợp, Đức Ông giảng về chuyện lễ đám tang. Trong bài giảng, tôi nghe Đức Ông nói,

 
- Tôi có dịp dự nhiều lễ tang, và mỗi lễ tang có phần đọc Eulogy - bài điếu văn. Trong bài ấy thường nói về những điều tốt đẹp của người qua đời. Tôi nghĩ rằng, tại sao chúng ta chờ đến khi người ta nằm xuống rồi mới khen tặng, mới ca tụng họ? Tại sao chúng ta không nhắc đến những điều tốt đẹp ấy khi người ta còn sống trên đời???
 

Tôi đang nghĩ về Thầy Hoàng Châu, về cuộc đời thầy. Và bên tai nghe lời Đức Ông giảng... Tôi thấy đúng như vậy. Con người mình có điều lạ, thường ít khi khen tặng hay lên tiếng về những điều tốt đẹp người khác làm trong hiện tại. Chỉ chờ đến khi người ta mất đi thì mới vội vàng lên tiếng khen hay nhắc lại những chuyện tốt họ đã làm khi sinh thời.



2.
Vậy là thầy đã ra đi. Thế là hết những lúc lo lắng không hiểu Thầy lúc này bệnh tình ra sao... Thế là hết những lần thắc mắc không biết có ai giúp thầy trong lúc cần thiết...


Tôi đến với thầy khi thi đậu vào lớp sáu trường Nữ Pleime. Quà thưởng của tôi là một cây đàn mandoline và những bài học đàn từ thầy. Từ những ngày đầu tiên, thầy đã như một người cha người chú của tôi. Tôi làm quen với những nốt nhạc, những bài hát khi đến học tại nhà. Thầy chỉ cho tôi cách cầm phím đàn làm sao, cách rung tay như thế nào để cho đúng cách đàn mandoline. Tôi không bao giờ quên được bài đầu tiên thầy cho tôi tập là bài Dừng bước giang hồ với 7 khung nhạc dạo trước khi vào giòng nhạc chính. Thầy chỉ cho tôi điệu pasodoble trước khi cho tôi tập bài La Paloma... và nhiều những bài khác. Thời gian sau, khi thấy thầy chơi harmonica, tôi cũng tỏ ý muốn biết. Ở nhà tôi lại được cho một cây kèn harmonica mới toanh còn trong hộp. Tôi mang đến nhà thầy và thầy chỉ cho tôi thổi mà không hề có chuyện tiền bạc gì cả.


Khi vào học ở Pleime, tôi không nhớ rõ đến lớp nào thì có giờ nhạc của thầy. Tôi không được học vẽ với thầy nhưng tôi biết thầy dạy vẽ ở trường Phạm Hồng Thái. Khi tôi được giao trách nhiệm làm tờ bích báo đầu tiên của lớp, tôi mang đến nhờ thầy vẽ cho tôi. Thật lạ lùng. Lúc đó, lương tiền thầy giáo không có bao nhiêu, vậy mà thầy vui vẻ nhận lời và đã bỏ ra không biết bao nhiêu giờ để vẽ cho tờ báo tên Ươm Mơ của lớp tôi. Thầy trang hoàng hết tờ giấy croquis với màu nước và những hình ảnh đẹp. Tôi còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện tiền bạc và đã không biết đến chuyện thầy bỏ tiền túi ra mua màu vẽ cho tờ báo lớp tôi, chưa kể tốn thời gian của thầy nữa. Mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn còn áy náy về chuyện này.


Những năm trung học tôi thường được đi tập hát với thầy khi trường có văn nghệ. Chúng tôi - gồm có tôi và các bạn trong lớp - phá thầy nhiều hơn là tập hát. Lần đó, thầy dạy cho bài hợp xướng, Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy, thay vì hát,


... Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng ...
thì cả bọn chế thành: 


...thò trong túi quần, một đồng xu không có
   có hai hòn, một hòn xanh hòn đỏ....

và cả bọn cứ lập đi lập lại những câu hát đó cho đến khi thầy giận không thèm tập hát nữa mới ngừng ....


Lần khác, khi thấy thầy đánh nhịp mà hai túi quần thầy nặng trĩu, không biết thầy để những gì trong đó, bọn tôi không nhịn cười được và cứ khúc khích mãi...  Chưa hết, tôi và Quỳnh My còn bày trò viết hàng chữ "Quần Bán Hỏi Người Mặc" trên tờ giấy dán sau lưng thầy. Khi thầy đánh nhịp, cả bọn chỉ cười chứ không tài nào tập trung. Thầy la nhiều lần không được, bỏ đi về. Cả bọn ngồi nói chuyện chờ thầy trở lại... Một lát sau, thầy lại đón xe thồ lên trường và vào tập hát ... Lúc ấy, con nít, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình làm thầy tốn kém thì giờ và tiền bạc... 

Mấy mươi năm qua, tôi vẫn nhớ mãi lúc thầy tập cho người solo bài hợp xướng Đợi Anh Về, trong đó có câu: Em ơi... đợi anh về em nhé... Thầy đã nắn nót sửa tới sửa lui cho đến khi hoàn hảo... 

Buổi trưa tôi thường ở lại trường vì nhà xa đi bộ về rồi quay đi lại chả bỏ công. Một lần tôi đang ngồi trong phòng học, hình như lớp tám thì phải, thầy đi vào. Thầy cũng ở lại trường để chiều tập hát cho buổi văn nghệ. Thầy bảo tôi đi xuống nhà bác Miên - người bán chè và nước trong giờ ra chơi ở trường - nhờ bác ấy làm hai tô mì gói cho thầy. Tôi hơi thắc mắc, tại sao thầy gọi hai tô. Đến khi mì mang lên, thầy bảo tôi ăn. Thật cảm động, tuy chỉ là một tô mì gói, nhưng tôi nhớ hoài. Mà lúc ấy, chung quanh trường có gì khá hơn để mua ăn vào buổi trưa? Mì gói là quý lắm rồi.
 

Thầy như thế nhưng trong giờ học, tôi vẫn cùng bạn bè chọc phá thầy... Thầy có la và bắt phạt qùy trên bàn, hay qùy trước cửa lớp, chúng tôi vẫn không sợ. Sao hồi đó chỉ thích phá phách mà không nghĩ gì xa hơn. Tuy nhiên bao giờ tôi cũng học thuộc bài chứ chưa khi nào bị điểm xấu.


Từ khi vào trường Nữ Pleime, tôi phải mang áo dài trắng đồng phục. Tất cả các áo dài của tôi đã từ bàn tay của cô vợ thầy Hoàng Châu may, lúc đó là nhà may Mộng Lan. Tôi nghe nói có những nơi khác may áo dài đẹp hơn nhưng tôi vẫn thích mang vải đến nhờ cô may cho tôi. Đối với tôi, những chiếc áo cô Mộng Lan may là đẹp và vừa ý nhất. Sau năm 75, cô phải đi buôn bán xa nên chuyện may vá ít đi. Tôi vẫn mang vải đến nhờ cô may áo dài mỗi khi có dịp. Chiếc áo dài cuối cùng cô may cho tôi là một chiếc áo màu vàng, tôi mang đi lễ nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, để thấy chỉ có mình là người duy nhất mặc áo dài đi lễ thời gian đó.

Sau khi nghĩ học, tôi lại muốn học đàn guitar và dành dụm để mua một cây đàn mang đến học với thầy. Những tháng ngày này buồn bã, không còn vô tư như trước. Những bài nhạc tập tành cũng chỉ là những bản mang âm điệu buồn chứ không còn rộn rã vui tươi... Thầy thường đăm chiêu, ít nói, và hút thuốc nhiều hơn. Nhiều buổi tôi đến nhà, chỉ ngồi chơi với các em mà không tập đàn bao nhiêu. Dần dần tôi cũng không còn đến học đàn với thầy nữa vì có nhiều thứ khác cần phải làm... 


Khi tôi rời Pleiku, thầy đang ở Sài gòn. Tôi không có dịp gặp thầy một lần nào nữa. Mấy mươi năm xa nhà, thỉnh thoảng tôi có nghe tin của thầy. Năm 2010, tin thầy bị tai biến nặng. Tôi liên lạc và thầy có gửi thư cho tôi. Thật là xúc động khi thầy đang đau bệnh mà cố gắng viết thư. Thầy gửi tặng tôi bài nhạc thầy mới sáng tác và hình của Thầy. Đó là bức hình sau cùng tôi có.




Trước đây, khi nói chuyện với Quỳnh My, bọn tôi còn cười đùa khi nhắc đến chuyện chọc phá thầy cô, trong đó chuyện của thầy Hoàng Châu làm bọn tôi cười nhiều nhất... Bây giờ thầy đã không còn nữa....


Thầy ơi, con đã học được niềm đam mê âm nhạc ở thầy ngay từ khi thầy dạy con những nốt nhạc đầu tiên, nhưng con đã không có được cái ý chí theo đuổi âm nhạc như thầy, vì con đã bỏ dở dang tất cả những món đàn con học. Hôm nay đây, ngồi viết lại những kỷ niệm với thầy, con rất tiếc vì đã không tiếp tục theo đuổi cho đến nơi đến chốn những điều thầy dạy con từ bước khởi đầu. Con xin tạ lỗi với thầy. Thầy mãi mãi là một người thầy kính yêu của con.



Tôn Nữ Thanh Dương
12 tháng 6 năm 2013



Sunday, June 9, 2013

ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU



Đại thi hào Nguyễn Du được tôn vinh Danh nhân văn hóa thế giới
Ban chấp hành Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp ở Paris (Pháp) đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 192 EX/32 trình Đại hội đồng UNESCO biểu quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.


Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Thông tin trên được tiến sĩ-Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh xác nhận với Dân Trí sáng 21.5. Theo tiến sĩ Hải, ngày 12.4.2013, Ban chấp hành Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp ở Paris đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 191 EX/32 trình Đại hội đồng UNESCO biểu quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cùng 92 danh nhân trên thế giới được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Tiến sĩ Hải cho hay, đợt này có 55 nước và 1 thành viên liên kết trong số 195 nước thành viên và 8 thành viên liên kết trình 159 hồ sơ xin vinh danh danh nhân của các thành viên. Sau khi thẩm tra, xem xét kỹ các hồ sơ, Ban thư ký UNESCO đã trình lên Ban chấp hành của tổ chức này duyệt thông qua 93 hồ sơ, trong đó hồ sơ khoa học xin vinh danh đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam được đánh giá cao.

Sau đợt biểu quyết này, vào tháng 11.2013 này, Đại hội đồng UNESCO họp ở Paris sẽ chính thức ra quyết định vinh danh đại thi hào Nguyễn Du, mọi hoạt động tôn vinh sẽ được triển khai ở Việt Nam và các nước cộng đồng UNESCO trong thời gian 2 năm 2014-2015.

Cũng theo ông Hải, đây là lần đầu tiên Nguyễn Du - nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của dân tộc - được UNESCO vinh danh.
Theo Dân tri