Tuesday, March 25, 2014

THƠ CHIA BUỒN - NĐ




Tháng Ba Đến, Mất Cha!  Buồn Dao Cắt
 
Tháng Ba đến, Cha bỗng đi đột ngột
Nỗi buồn nào, đau dao cắt không nguôi
Mới được tin, Cha đã vội lìa đời
Vẫn cứ tưởng cha hưởng ngoài trăm tuổi
 
Mới ngày nao, đến chúc mừng năm mới
Cha còn cười, còn nói chuyện huyên thuyên
Như ngày xưa trên Phố Núi Cao nguyên
Lúc còn Mẹ, bạn đời Cha hôm sớm
 
Mấy mươi năm, một mình cha tối sớm
Một Cha già, cảnh gà trống nuôi con ...
Núi Thái sơn, biển Đông mãi mãi còn
Ơn Cha mẹ, một đời con ghi dấu 
  
Sắp tháng Tư, nỗi buồn Cha nung nấu 
Nỗi buồn đau mất nước buổi chiến tranh
Tháng Tư đen, đau dao cắt quân hành
Cha đau nhớ, mất thành, buông ... ngã quỵ
 
Tháng Ba đến, trái tim buồn đột truỵ
Cha đi rồi, con gái rượu quý yêu
Ngồi bên Cha, bao kỷ niệm, thật nhiều
Những giọt lệ khóc cha buồn thương nước
 
 
Nguyên Đỗ
25/03/2014


Thursday, March 20, 2014

PHÂN ƯU








PHÂN ƯU




Nhận được tin buồn:

Cụ Ông : Stephano TÔN THẤT THANG 

  Sinh năm 1919, nguyên quán An Cựu,Thừa Thiên-Huế

Thân phụ của: Tôn Nữ Thanh Dương
cựu H/s Trung Học Pleime

Đã về an nghỉ nơi nước Chúa lúc 8 giờ sáng ngày 18 tháng 3 năm 2014
(nhằm ngày 18 tháng Hai năm Giáp Ngọ) tại Fountain Valley, CA-USA
Hưởng thọ 96 tuổi

Linh cửu được quàn tại Peek Family Funeral Home, Phòng số 1
7801 Bolsa Avenue, Westminster CA 92683;đt:(714)893-3525

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
Thứ 5 ngày 27/03/2014:
   - Từ 9:00AM-1:00PM: Nghi Thức Phát Tang, Cầu Nguyện
     và thăm viếng tại Phòng số 1/Peak Family Funeral Home
   - 1:30PM Linh cữu sẽ được hỏa táng tại Peak Family Funeral Home
      7801 Bolsa Avenue, Westminster CA 92683


Thầy Thái Văn Duy & gia đình, và một số các anh chị em
cựu H/S TH Pleiku và Pleime xin chân thành chia sẻ sự mất mát
và đau buồn cùng Thanh Dương và Tang Quyến.

Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria sớm đưa linh hồn
Cụ Ông Stephano về hưởng Thánh Nhan Chúa.


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU.







Monday, March 17, 2014

Động Đất



 Động Đất


Hơn 6 giờ sáng, đang còn lơ mơ trên giường, kỳ kèo thêm vài phút trước khi ngồi dậy.

Bỗng nhiên, cái giường rung rinh, chao đảo. Hình như mặt đất nhồi lên nhồi xuống ... Sự chuyển động không mạnh lắm để gương cửa sổ không lách cách, tranh ảnh trên tường còn nguyên chưa hạ thổ. Đủ để tỉnh giấc, đủ để sợ. Đủ để phóng ra khỏi chăn, xỏ quần jean, vớ lấy áo khoác, ví, cell phone và chìa khoá, chạy ra phòng trước xỏ giày vào chân.

Kịp nhìn đồng hồ, 6:30am. Giờ của mọi người thức dậy chuẩn bị buổi sáng.
Mở TV, tin báo động đất 4.4 ở gần Westwood, gần Encino, CA.

May mắn lần này, cơn địa chấn xảy ra 5 dặm sâu dưới mặt đất, chưa thấy báo cáo có gì hư hại. Dù sao cũng giật mình. Lâu lắm rồi ở đây không có động đất. Những giỏ đồ emergency đã bị bỏ quên. Thức ăn thức uống không chuẩn bị sẵn. Thôi thì lần này coi như chuông báo động. Có lẽ phải sắp xếp một ít áo quần giày vớ thức ăn nước uống cho sẵn sàng, để đó phòng lúc cần thì "chạy".

Hai ngày trước trời nóng đến gần 90 độ ở đây. Mỗi lần thấy nóng quá, thường hay nghĩ là sắp có động đất, lần này đúng thật.

Vài ngày nữa mùa xuân đến. Như vầy thì phải vừa ngắm xuân vừa chuẩn bị tinh thần chứ không được lơ là nữa.

Vài hàng kể lể chuyện "rung rinh" sớm hôm nay với bạn.

Nguyệt Hạ
Mar 17, 2014

Wednesday, March 12, 2014

Bức Chân Dung Đầu Tiên


 



  Bức Chân Dung Đầu Tiên



Mười ba tuổi, học lớp bảy, cô giáo dạy Văn có việc gia đình phải nghỉ dạy , thế là lớp có ông thầy mới đến thế.

Ngày đầu thầy vào lớp, nhìn mặt, Thảo không thấy có cảm tình với ông ấy tí nào. Người gì mà cao nhòng, ốm nhom. Mặt mày xương xẩu không thấy có chút thịt nào hết. Thảo bé tí, thấp và nhỏ con nên nhìn lên thấy ông thầy cao lắm. Chỉ có cặp mắt bốn tròng đáng để ý. Mắt thầy lớn mà hình như hơi lộ. Nhìn vào mắt ông thấy tròng trắng nhiều hơn tròng đen, nhìn như xoáy vào người đối diện, Thảo quay mặt đi nhìn nơi khác.

Tưởng chỉ có vậy. Những ngày có giờ Văn trôi qua. Như thường lệ, Thảo thường được điểm cao trong lớp khi thầy phát bài luận văn. Giờ giảng bài, thầy cũng thường gọi Thảo trả lời những câu hỏi khi không thấy ai giơ tay. Lớp bảy, học trò còn ngây thơ, đi học chỉ biết chăm chỉ nghe và chép bài. Không bao giờ có thêm một ý nghĩ nào khác. Vậy mà...

Bọn con gái đồn đại sao không biết. Tiếng xầm xì lan ra. Thầy giáo mới thương nhỏ Thảo. Và động trời hơn nữa, nhỏ Thảo thương thầy lắm. Bạn bè nhìn Thảo với cặp mắt là lạ và cười cười với nhau mỗi khi Thảo đi ngang. Nhỏ bạn ngồi bên cạnh nói nhỏ với Thảo,
- Tụi nó đồn mày bồ với thầy dạy Văn đó.
Thảo chưa kịp trả lời, nhỏ nói tiếp,
- Có thiệt không?
- Ai nói vậy?
- Tụi nó đồn ầm cả trường rồi, mày không nghe sao?
- Tao không làm gì hết, tại sao có tin đồn?
- Làm sao tao biết được, tao muốn hỏi mày cho biết.
- Tao vẫn đi học về với mày hàng ngày, có gì khác mày biết chứ?
- Tao cũng thấy lạ. hỏi cho chắc ăn.

Mỗi buổi sáng Thảo đi xe lam đến trường, khi tan học đi về cùng nhỏ bạn. Giữa đường hai đứa chia tay vì nhà ở hai hướng khác nhau. Cho đến lúc đó, Thảo cũng không biết nhà thầy giáo ở đâu. Thật là miệng mồm học trò, cái bọn lanh chanh.

Sau buổi đó, Thảo đâm ra để ý thầy xem thử có gì lạ mà bọn nó tung tin đồn thất thiệt vậy. Nhiều lúc đang giờ học, cả lớp cắm cúi chép bài, ngửng lên, Thảo bắt gặp ánh mắt thầy đang đậu lại nơi mình. Hai ánh mắt chạm nhau, một hai giâỵ, thầy quay đi nơi khác. Trong tâm hồn của đứa con gái mười ba, hình như có làn sóng nhỏ gợn lăn tăn...




*****

Mười bốn tuổi, lên lớp tám. Thảo lại học Văn với thầy giáo cũ. Tuổi mới lớn, trổ mã, nhổ giò, cô nào vào lớp cũng thấy khác lạ và xinh xắn hẵn ra. Ngày đầu năm, Thảo chào thầy mà trong lòng cũng có chút gì đó ngại ngùng.

Tưởng rằng qua mùa hè, bọn con gái quên chuyện cũ, nhưng không. Bọn chúng lại càng xầm xì hơn nữa khi thấy lúc này Thảo trở nên một cô gái duyên dáng thướt tha. Thảo đã ít nói lại càng ít nói hơn nữa. Trong lớp Thảo gần như không còn mạnh dạn giơ tay phát biểu như trước. Mỗi lần phát bài, Thảo vẫn được điểm cao hơn mọi người, đó là điều hiển nhiên chứ không phải vì thầy thiên vị, ai cũng biết thế. Thầy vẫn đứng trên bục giảng bài, trò vẫn ngồi dưới nhìn lên nghe chăm chú. Có ai biết rằng, những gọn sóng lăn tăn trước kia đã tạo nên những vòng tròn làm chao động mặt hồ yên tĩnh trong lòng cô gái mới lớn.

Có một vài câu hỏi khi Thảo làm bài bình luận cuốn sách của Khái Hưng. Ngày mai nộp bài, Thảo không còn cách nào khác tìm đến nhà thầy để hỏi. Một lần tan học, tình cờ Thảo thấy thầy đi phía trước, cùng đường và thầy rẽ vào căn nhà nhỏ trên con dốc. Thảo mượn xe đạp của chị, chạy đến nhà thầy. Trong lòng hơi lo âu, sợ mấy nhỏ bạn thấy được lại tung tin đồn thất thiệt. Đến nơi, run tay Thảo gõ cửa,
- Ai đó?
Tiếng thầy vừa hỏi vừa mở cửa.
- Thưa thầy em muốn hỏi bài ngày mai.
- Em vào nhà đi.
Thầy mở rộng cửa cho Thảo vào và ý tứ để cửa mở toang.
Vài câu thăm hỏi xã giao, thầy bắt đầu chỉ bài cho Thảo. Chỉ có thế thôi, Thảo cám ơn thầy rồi xin về.

Bài thuyết trình hôm sau, Thảo được điểm cao nhất lớp. Thế là tiếng xầm xì nhiều hơn và bạn bè nhìn Thảo với ánh mắt khó hiểu. Một buổi, Thảo chịu không được nữa, tìm gặp thầy sau giờ học và khóc,
- Em không biết tại sao bạn bè đồn đại thế này thế kia.
- Em cứ bình tâm. Em không làm điều gì sai trái thì thôi. Tuổi này các cô hay có nhiều điều tưởng tượng. Rồi sẽ qua, em không nên để ý nhiều quá ảnh hưởng đến việc học.

Tự nhiên, Thảo cảm thấy gần gũi với thầy hơn vì có người hiểu và an ủi mình. Từ đó đi học không còn là một cực hình nữa, vào lớp giờ thầy, Thảo cảm thấy bình thường, không còn xét nét như ngày trước. Thỉnh thoảng, Thảo tìm thầy hỏi bài sau giờ học hay cuối tuần đến nhà thầy.


*****


Vậy là thân với thầy. Thảo biết thầy từ nơi xa đến đây nhận nhiệm sở sau khi ra trường. Thầy còn trẻ lắm, hơn Thảo sáu tuổi. Thầy ở đây một mình không thân nhân bà con, cũng chưa có bạn bè nhiều. Thỉnh thoảng Thảo đến thăm mang biếu thầy ít trái cây trong vườn nhà.


Thảo lấy tấm hình từ trong cặp ra khoe thầy. Bức hình chân dung của cô gái mười bốn, tóc dài đen nhánh, mắt mũi miệng khuôn mặt trái soan đầy đặn, tất cả đường nét hài hoà toát ra vẻ đẹp ngây thơ trong sáng. Thầy nhìn tấm hình thật lâu. Hình như thầy chưa bao giờ nhìn kỹ mặt Thảo nên bây giờ có vẻ ngạc nhiên khi nhìn người trong ảnh. Thảo im lặng chờ thầy lên tiếng. Thật lâu, có lẽ thầy đang chìm trong những suy nghĩ riêng tư nào đó, Thảo vẫn lặng lẽ ngồi yên.
Thầy lên tiếng,
- Thảo cho tôi giữ tấm hình này để vẽ lại nhé.
- Thầy là hoạ sĩ?
- Không, nhưng tôi có học vẽ khi còn đi học. Tấm hình của em đặc biệt lắm, tôi muốn vẽ lại tặng em.
- Dạ được, Em cám ơn thầy trước.

Hai tuần nữa nghỉ Tết. Học trò lục tục bàn nhau chuyện làm văn nghệ tất niên và ăn liên hoan. Thảo bị chọn vào trong ban múa cùng các bạn. Sau giờ học Thảo phải ở lại tập múa nên không còn rãnh đến thăm thầy nữa. Một ngày nọ, buổi trưa giữa hai buổi học, Thảo đến nhà thầy. Cửa không khoá, gõ cửa không nghe trả lời Thảo đẩy cửa bước vào. Thầy đang mải mê ngồi bên giá vẽ, bức hình của Thảo trước mặt.
- Chào thầy em mới đến.
- Thảo đó hả, ngồi đi em, tôi vẽ gần xong hình em rồi đây.

Một lúc sau, thầy cầm bức chân dung đưa cho Thảo. Bức vẽ bằng bút chì, thật đẹp và thật giống như tấm hình. Thảo ngắm không chớp mắt, quên cả cám ơn thầy. Lần đầu tiên trong đời, có người vẽ cho Thảo tấm chân dung đẹp quá. Thầy đứng cạnh nhìn Thảo không nói gì.
- Thầy vẽ đẹp quá, em cám ơn thầy nhiều lắm.
- Nhờ tấm hình em đẹp nên tôi kẻ ra và vẽ theo đó thôi.
- Thầy nói thế chứ nếu không biết vẽ, sẽ chẳng ra hình thù gì.

Đến gần giờ vào học, Thảo xin phép thầy để đi đến trường. Cám ơn thầy lần nữa Thảo cẩn thận cho bức vẽ vào cặp.

*****


Không bao giờ Thảo ngờ rằng, buổi trưa hôm ấy là lần cuối cùng thầy và Thảo gặp nhau. Chiến tranh xảy ra, trường học tạm nghỉ, mọi người tìm cách đi nơi khác. Thầy cô cũng đi về quê mình. Học trò phân tán các nơi. Thời gian sau, trường học mở cửa lại, Thảo tiếp tục đến trường. trong khung cảnh mới, một số bạn bè cũ còn lại, một số lớn đã xa. Thảo, không quên được thầy với tình cảm hình như vừa chớm nở... Có những đêm ngồi học bài, Thảo mang bức chân dung thầy vẽ ra nhìn lại, tự hỏi, không biết bây giờ thầy nơi đâu, có nhớ đến Thảo không?


*****


Khi đến nơi tạm dung, Thảo luôn luôn có bức chân dung bên cạnh. Cuộc sống mới nơi xứ lạ cho Thảo nhiều điều buồn bã, đêm đêm về Thảo mang bức hình ra ngắm, tìm lại cho mình một chút ủi an. Một lần đi xa tìm việc, Thảo gởi mấy thùng sách nơi nhà một người bạn. Khi nhận lại những thùng sách ấy, bức chân dung đã không còn. Thảo sững sờ không tin vào mắt mình. Hỏi bạn, người ấy nói không biết. Có cách nào hơn? Không nói được gì, Thảo ôm niềm đau mất mát trong lòng. Một món quà tinh thần vô giá đối với Thảo. Bao nhiêu năm qua, hình như hơn ba mươi năm thì phải, đó là một kỷ niệm duy nhất và cuối cùng của người mà Thảo thương mến. Thầy vẫn bặt âm vô tín, nhưng trong lòng Thảo tin rằng thầy vẫn còn đâu đó và vẫn nhớ đến Thảo như Thảo không quên được thầy.


Nguyệt Hạ
Mar 12, 2014



Friday, March 7, 2014

Ngày Có Nắng






Ngày Có Nắng


Sáng thức dậy, nhìn mảng nắng vàng rực chiếu trên cửa sổ, hình như mùa xuân thật sự đến nơi đây. Hôm cuối tuần mưa gió tơi bời nhưng ba hôm nay trời trong xanh với nắng ấm, không còn dấu vết gì của trận bão đi ngang.

Khi trời mây mù ảm đạm, người mình bị ảnh hưởng theo. Ngày như thế, tâm thần muốn đình công, bao nhiêu cái buồn chán  kéo nhau về diễn hành trong trí tưởng. May mắn làm sao, trời ban cho ánh nắng, tự nhiên thần trí vui tươi hớn hở theo.

Nhìn màu nắng tươi sáng rực rỡ xong, tự nhiên nhoẻn miệng cười. Người hỏi, có chuyện gì mà cười thế? Cần gì phải có chuyện gì, thấy vui trong lòng thì cười. Hy vọng làm người khác vui lây.  Niềm vui chia xẻ niềm vui nhân đôi.  Nhiều thứ khác kéo theo. Chẳng hạn như vui vẻ thì tự động làm việc, lôi việc ra làm, những thứ lâu nay bỏ quên. Khi vui, thấy mình từ bi hỉ xả quá. Mọi thứ chung quanh không còn làm mình bận tâm. Ừ, cuộc đời ngắn lắm, làm sao để có chút thoải mái trong tâm là được rồi.

Cám ơn ông mặt trời cho nắng sáng tươi mấy hôm nay. Chim chóc cũng vui theo, nhảy nhót líu lo ngoài kia. Vườn vẫn có hoa, cây lá vẫn xanh. Những thứ nho nhỏ như thế còn hơn là thiên đàng.



Nguyệt Hạ
Mar 7, 2014

Thursday, March 6, 2014

CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ từ Thơ đến Nhạc



“Còn chút gì để nhớ” được phổ nhạc và hát lần đầu tiên tại Pleiku như thế nào?

Đăng lúc: Chủ nhật - 19/05/2013 15:31 | Tác giả: Nguyễn Quang Tuệ (ghi theo lời kể của ông N.H) | Theo GLO | Tin Gia Lai tổng hợp
 



Pleiku. Mùa mưa. Khoảng năm 1970. Trước một chút, tôi bị bắt quân dịch, rồi làm lính kiểng. Lo lót để được ở lại thị xã, công việc chủ yếu của tôi là… chơi nhạc. Pleiku hồi ấy được mệnh danh là thị xã của lính, thị xã của binh khí, xe pháo. Lính tráng có lúc nhiều gấp ba lần dân Pleiku.



Nhưng công bằng mà nói, Pleiku cũng là nơi có rất nhiều quán xá, câu lạc bộ gắn liền với âm nhạc. Tôi còn nhớ, hồi đó một số quán cà phê ở Pleiku vẫn thường tổ chức những đêm thơ, nhạc một cách khá bài bản, ví như quán Văn, Tay Trái,… Pleiku ngày ấy cũng còn là nơi lui tới khá thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, một số người trong đó, còn sống và sáng tác cho đến tận bây giờ.

 
Một sản phẩm văn hóa do N.Q.T thiết kế và xuất bản năm 2012.
Một sản phẩm văn hóa do N.Q.T thiết kế và xuất bản năm 2012.
 
 
Ngoài hai mươi tuổi, tôi cùng vài ba anh em thân quen đồng trang lứa khác chơi nhạc cho khá nhiều nơi trong thị xã. Thu nhập kể ra cũng không đến nỗi nào nhưng quan trọng là vào thời điểm ấy, tính mạng mình được an toàn hơn là phải ra mặt trận. Một hôm, khoảng hơn 20 giờ, sau khi chơi nhạc, chúng tôi đang sửa soạn rời câu lạc bộ Đại Hàn (Korea Club)-nằm trên đường Hùng Vương (đường Hoàng Diệu cũ, chỗ sát tường rào Nhà Văn hóa Lao động, gần đối diện với cổng Trường THPT Chuyên Hùng Vương bây giờ) để trở về nhà thì có một tốp người đi vào. Sở dĩ hàng đêm chúng tôi phải về sớm là vì, hồi đó, chừng 22 giờ hoặc trước 22 giờ một chút, Pleiku đã phát lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra khỏi nhà.

Tôi nhìn thấy trong nhóm đang đi vào ấy có mấy người tôi biết mặt, biết tên từ trước, số còn lại thì sau lần gặp gỡ ấy, tôi mới biết họ. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Kim Tuấn (tức Nguyễn Phước Vĩnh Khuê (1938-2003), quê Hà Tĩnh, hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, tác giả các lời thơ được phổ nhạc nổi tiếng như Những bước chân âm thầm, Anh cho em mùa xuân, đồng thời là thầy dạy tiếng Anh của anh em tôi ở Pleiku), đại úy quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển (nhà văn Hoàng Khởi Phong, tác giả của tiểu thuyết Người trăm năm cũ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2009).

 
Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, N.Q.T sưu tầm.
Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, N.Q.T sưu tầm.
 
Cùng đi với những văn nghệ sĩ ấy còn có một vài người khác nữa. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được một người đã gây cho tôi những ấn tượng mạnh trong buổi tối hôm ấy. Người ấy trẻ, trạc tuổi tôi, mặc một tấm áo màu xám, sau lưng có dòng chữ LCĐB in đậm.

Thấy chúng tôi đứng dậy toan về, nhạc sĩ Phạm Duy nói: Ở nguyên đó đi, có việc cần đấy. Chúng tôi miễn cưỡng chờ, dù trong lòng ai chắc cũng đã nóng như lửa đốt, vì giờ giới nghiêm đã tới rồi. Dường như biết sự lo lắng của mấy anh em nhạc công, ông Phạm Duy lại bảo: Lát có xe đưa về. Cứ yên tâm. Đến nước này thì chúng tôi cũng đành yên tâm vậy, vả lại có ông sĩ quan quân cảnh ở đây, chắc chúng tôi sẽ không bị làm phiền vì về nhà lúc đã quá giờ quy định.

Nhạc sĩ Phạm Duy kéo ghế ngồi xuống, mấy người đi cùng lặng lẽ tản ra xung quanh. Ông lấy trong túi cái áo màu đen đang mặc ra một tờ giấy và một cây bút rồi bắt đầu kẻ các dòng nhạc rất nhanh. Một lát sau, thấy chúng tôi đã đứng, ngồi sẵn sàng bên các nhạc cụ quen thuộc của mình, ông hất hàm bảo: Đô trưởng, boston nhé. Và thế là ông cầm tờ giấy hát trước, mấy anh em tôi đệm theo sau. Ngoài trời lúc ấy có mưa nhưng không nặng hạt lắm.

Giọng Phạm Duy lúc bổng khi trầm khá cuốn hút. Ông dứt lời, mọi người vỗ tay chúc mừng. Tôi nhớ, hình như Phạm Duy hát xong có đặt tờ giấy xuống bàn, gạch sửa chút ít gì đó, hát lại một vài câu rồi mới gấp nó lại bỏ vào túi áo thì phải. Riêng người đặc biệt của tôi đêm ấy thì không nói gì, anh lặng lẽ ngồi đó cho đến khi chúng tôi được một chiếc xe Jeep đưa về tận nhà, mà không bị ai xét hỏi dọc đường. Lúc ấy, tôi đã biết: Anh là Vũ Hữu Định, một người lính phản đối chiến tranh nên bị đày lên mặt trận cao nguyên nguy hiểm trong màu áo LCĐB (lao công đào binh).

Nhiều chục năm đã trôi qua, bài thơ Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định sau khi được Phạm Duy chắp cánh, có thể nói đã trở nên bất tử, suốt từ sau những năm 1970 của thế kỷ trước đến nay. Tôi rất thích khi có người viết rằng Vũ Hữu Định (và cả Phạm Duy nữa) đã đội vương miện cho thành phố này-Phố núi Pleiku. Tôi biết Vũ Hữu Định từ dạo ấy. Nhưng cũng phải nói thật, ban đầu, tức cái đêm hôm đó, tôi quý anh không phải vì thơ, mà chính là vì thấy… lạ quá, nể phục trong lòng quá.

Trong đầu tôi bao năm vẫn cứ mãi loanh quanh một câu hỏi: Tại sao những văn nghệ sĩ nổi tiếng như thế lại cất công đi tìm anh, chơi với anh, coi anh như bạn bè thân thiết, trong khi anh đang là lao công đào binh, một người đã phải đứng trước tòa án binh lãnh án, bị đày ra phục dịch tại mặt trận, nơi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào? Sau này tôi mới hiểu, đằng sau thân hình thấp nhỏ kia, bên trong tấm áo xám ấy là cả một tâm hồn lớn của một tài năng. Và, những người lớn đã vì tài năng mà quý nhau, đến với nhau, bất kể thân phận cụ thể…

Rất nhiều năm sau, khi tập thơ của Vũ Hữu Định được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành, internet đã phổ biến rộng rãi và nhất là khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam định cư, thường tổ chức các đêm diễn lớn, tôi đã đọc thêm được ở đâu đó những thông tin về bài thơ Còn một chút gì để nhớ. Rằng nó đã được viết hồi năm 1970, từng được đăng trên tạp chí Khởi hành… Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần lên Pleiku tìm cảm hứng sáng tác, đã gặp Vũ Hữu Định và như ông từng viết thì: Vũ Hữu Định chính là một thi sĩ đích thực. Giống nhiều người khác, khi phổ thơ, vẫn thường thêm vào hay bớt đi một vài câu chữ của nguyên bản, nhưng riêng với Còn một chút gì để nhớ thì Phạm Duy “kính trọng hoàn toàn bố cục (structure) cũng như vận tiết (prosodie) của thi phẩm”-như ông thừa nhận.

Có thể, sau cái lần tự tay viết những nốt nhạc đầu tiên cho tác phẩm của mình tại Pleiku ấy, nhạc sĩ Phạm Duy còn chỉnh sửa thêm nữa trước khi công bố để bài hát trở nên nổi tiếng. Nhưng với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên, dù vào thời điểm ấy, tôi chưa hoàn toàn ý thức được vấn đề, vì bài hát chưa được ai biết, ngoài tác giả, vài bạn bè của ông, trong đó có Vũ Hữu Định và chúng tôi-những người chơi nhạc tình cờ được Phạm Duy nhờ vả chút ít trước giờ giới nghiêm, thời mà Pleiku còn như là... trại lính.

Pleiku từ một thị xã bé nhỏ, nay đã được mở rộng, khác xưa rất nhiều. Tôi đã ở đây suốt từ thời ấu thơ, cho đến lúc về già, chứng kiến biết bao thay đổi. May mắn thay, dù cuộc sống có biến động thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn được làm công việc mà mình yêu thích, đó là chơi nhạc và dạy nhạc. Trong cơ man âm thanh vang lên mỗi ngày ấy, tôi và rất nhiều những bạn trẻ yêu nhạc, vẫn dành những tình cảm trìu mến cho thành phố này. Chúng tôi đã yêu quý, gắn bó với Phố núi Pleiku, một phần vì âm nhạc, trong đó có tác phẩm của Phạm Duy-Vũ Hữu Định-Còn một chút gì để nhớ.

Tuesday, March 4, 2014

Mùa Chay





MÙA CHAY


Chiều thứ sáu, trời mưa như trút. Con tôi vừa ở trường về, backpack ướt, giày ướt, hai ống quần ướt... Con nói,
- Có email từ nhà thờ nói tầng dưới bị ngập nước.

Tôi xem email thấy người dạy giáo lý đang gọi các em trong lớp Thêm sức, nếu ở gần thì đến giúp ngay vì nước ngập. Chưa bao giờ con giúp trong trường hợp khẩn cấp, tôi bảo con đi. Nhân trường hợp này, tôi muốn con thấy được chuyện cần thiết phải làm khi mình có thể. Con vui vẻ nghe lời dù 2 tiếng đồng hồ sau đó con phải có mặt ở trường cho buổi hòa nhạc.

Khi về, con kể lại chuyện dọn dẹp ở nơi bị nước ngập. Và con rất vui. Tôi hỏi con nghĩ gì, con nói,
- Con vui và hài lòng vì có đến làm khi cần thiết. Sẽ đến trường trễ một tí nhưng không sao, con sẽ nói với thầy giáo.


Buổi chiều tối, mưa nặng hạt hơn nữa. Hai người hai chiếc dù chạy dưới mưa vào hội trường. Buổi hoà nhạc vẫn có người tham dự dù không đông lắm.  Các em chỉnh tề biểu diễn trên sân khấu. Mỗi người nhín một chút thì giờ đến đây với các em. Không bỏ công, các em chơi nhạc thật hay. Cám ơn thầy giáo, người mới có con nhỏ vài tháng, thầy mất ăn mất ngủ cho con và cho chương trình nhạc ở trường...


Ngày mai là Lễ Tro. Bắt đầu một Mùa Chay mới.

Cuối tuần nghe cha cố (Monsignor) giảng về Mùa Chay. Ngài mở đầu rất hay,

- Mùa Chay đến, thay vì nhịn (giving up) không làm một trong những điều mình ưa thích, tại sao không thử làm điều gì mới trong tinh thần phục vụ tha nhân?

Tôi thấy điều này hay. Tan lễ hai mẹ con nhắc đến Lễ Tro và Mùa Chay, con trai tôi nói,

- Con thấy thế này, tại sao phải nhịn (giving up) một trong những thứ mình thích làm? Khi bị hạn chế, mình lại thèm muốn hơn, lúc nào cũng nghĩ đến và như thế mất đi cái ý nghĩa của giữ chay.

Thấy con đã biết suy nghĩ và có những lý lẽ như thế, tôi bảo,

- Thế thì con tự tìm lấy một điều gì để làm trong mùa chay này. Không cần thiết phải giving up, nhưng hãy nghĩ về một hướng khác. Không nghĩ về mình nữa, hãy quên mình đi.



Nguyệt Hạ
Mar 4, 2014