Wednesday, June 3, 2015

BÌNH THƠ



LỜI BÌNH THƠ TRẦN KIÊU BẠC CỦA MỘT NGƯỜI ĐANG SỐNG TRONG LÒNG TỔ QUỐC 

 

Đến với bài thơ duyên tình dào dạt


Vẫn Là Em bên này biển rộng




Vẫn là em, vẫn là em
Xum xoe trong áo lụa mềm gió bay
Hôm nay em mặc áo dài
Vẫn em, dù đã bên ngoài quê hương

Dễ thôi, một chuyện bình thường
Quên trong góc tủ đã chừng vài năm 
Áo dài tà Bắc, tà Nam 
Vẫn ươm trong đó chút mầm nhớ quê

Nơi con sông nhỏ thầm thì
Còn vương chút “Nớ”, chút “Ni” Huế buồn 
Em như về giữa Cửu Long 
Áo em thấp thoáng bên dòng sông xanh 



Tóc em từng sợi mong manh 
Chảy vào tà áo, chảy quanh gót hài 
Đường ngôi em rẽ làm hai
Bên thương bên nhớ, bên ngày bên đêm

Xa quê chín khúc ruột mềm 
Giấu trong tay áo niềm tin trở về
Vẫn em, áo, với tóc thề
Nghìn xa vẫn một tình quê đậm đà

Đã đành xa vẫn còn xa
Áo em vẫn nét  mượt mà Việt Nam!

Ngày 17.12.2009
Trần Kiêu Bạc
                                                  


        ( Lời bình : Vương Bảo 
          Quí tặng nhà thơ Trần Kiêu Bạc )
                   
Tôi lại được gặp Nàng Thơ Trần Kiêu Bạc trên trang lục bát. Đó là những vần thơ của con tim đa cảm. “Vẫn là em bên này biển rộng” là một minh chứng cho những điều như vậy.
                  
Nhẹ nhàng và êm ả, bài thơ mở đầu bằng những câu lục bát:

Vẫn là em, vẫn là em
Xum xoe trong áo lụa mềm gió bay
Hôm nay em mặc áo dài
Vẫn em, dù đã bên ngoài quê hương
                  
 Nhân vật trữ tình trong thi phẩm được giới thiệu hàm súc và ngắn gọn “Vẫn là em …Vẫn em”. Từ điệp “Vẫn” là từ thuần Việt, không phải là hư từ mà là một thực từ khảng định em cứ mãi với thời gian. Em là của ngày xưa, ngày nay. Em có khác chăng chỉ là không gian thay đổi “bên ngoài quê hương”. Em là người không những đẹp về vóc dáng “trong áo luạ mềm” mà còn đẹp về tâm hồn trong trẻo “xum xoe”. Không thể hiểu khác được, em chính là người con gái Việt Nam. Đó là chân dung của người đẹp được phác thảo bằng vài nét rất tinh tế.
                
Người con gái nền nã ấy lại được nói rõ hơn :

Dễ thôi, một chuyện bình thường
Quên trong góc tủ đã chừng vài năm
Áo dài tà Bắc, tà Nam
Vẫn ươm trong đó chút mầm nhớ quê
                 
Mặc áo dài là chuyện bình thường của người phụ nữ Việt Nam. Có lạ chăng là lâu nay không mặc, vì một lý do nào đó trong cuộc mưu sinh cho nên để “ Quên trong góc tủ đã chừng vài năm”. Áo dài đã được thi vị hóa bằng ẩn dụ sâu sắc. Không phải là áo dài tà trước tà sau, không phải là áo dài mớ bảy mớ ba mà là “Áo dài tà Bắc, tà Nam”. Phải chăng đây là áo dài hay hình hài của quê Việt. Hay người con gái Việt thắt đáy lưng ong với hai tà mềm mại? Là gì chăng nữa đó vẫn là áo dài mang hình bóng người con gái Việt Nam. Và còn “ Vẫn ươm trong đó chút mầm nhớ quê”. Từ áo dài tác giả đã có một trường liên tưởng sâu rộng nuôi dưỡng sức sống mãnh liệt của quê hương. Nỗi nhớ quê cứ canh cánh bên lòng. Nỗi nhớ quê đã được cụ thể hóa thành hạt giống bất tử đó là “ươm”, “mầm”.
                
Nỗi nhớ quê dần dần sáng tỏ :

Nơi con sông nhỏ thầm thì
Còn vương chút “Nớ”, chút “Ni” Huế buồn
Em như về giữa Cửu Long
Áo em thấp thoáng bên dòng sông xanh
                
Quê Việt dằng dặc dài suốt từ Bắc vào Nam. Có biết bao nhiêu con sông dài ngắn nhỏ to. Con sông đã là người bạn tâm tình. Ta và sông gắn kết máu thịt. Người Việt Nam ai chẳng có một dòng sông chảy trong ký ức sâu thẳm. Con sông đã tắm mát cả đời ta. Cho nên sông đã “thầm thì” biết bao chuyện vui buồn nơi xứ sở. Có thể là chuyện về những thăng trầm của lịch sử, chuyện tình của bao lứa đôi trên những chuyến đò ngang dọc. Và nhớ quê lắm, chỉ một tiếng “Nớ”, tiếng “ Ni” mà Huế trầm mặc, Huế dịu dàng, Huế của mộng của thơ đã hiện lên “Huế buồn”. Chưa về được quê nhưng tà áo dài em mặc như em đang ở giữa Cửu Long giang. Áo dài em mặc đang tha thướt trên dải lụa dài “dòng sông xanh”. Khổ thơ chứa chan tình cảm đối với quê hương. Nhớ quê là nhớ những gì cụ thể nhất, da diết nhất.
                
Người đẹp vì lụa, nhưng người đẹp còn là người có vóc dáng có tâm hồn trong sáng:

Tóc em từng sợi mong manh
Chảy vào tà áo, chảy quanh gót hài
Đường ngôi em rẽ làm hai
Bên thương bên nhớ, bên ngày bên đêm
              
“Tóc em từng sợi”  và “đường ngôi em rẽ” là hai nét tiêu biểu mà nhà thơ đã phác họa về “em”. Đó là những nét quyến rũ nhất khi ta bắt gặp một người đẹp theo quan niệm của người xưa “cái răng cái tóc là góc con người”. Tóc em rất đẹp, nhà thơ không nói mái tóc mà tỉa ra “từng sợi” mềm, mảnh nhưng óng mượt như sợi tơ lòng chảy từ nguồn về và “ chảy vào tà áo, chảy quanh gót hài”. Thật rành rõ “đường ngôi em rẽ làm hai”. Đường ngôi cân đối “thương”, “nhớ”, “ngày”, “đêm”. Đường ngôi là một phép hoán dụ. Từ “đường ngôi” ta thấu rõ được những phẩm chất cao đẹp của em. Đó là người đa cảm , có trái tim nồng ấm. Em có tình thương, có nỗi nhớ. “Thương” và “nhớ” là tình cảm đặc biệt chỉ có ở những người giàu lòng nhân ái. Người luôn luôn mở lòng mình đón nhận những điều tốt lành và ban phát những niềm vui. Người lúc nào cũng mong muốn xóa đi những hận thù. “Em” là người hiếu thảo sáng rõ như “ngày” và “đêm”. “Ngày” và “đêm” là hai mặt phải trái thực hư của cuộc sống. Nguy hiểm nhất của cuộc sống là có những loại người “Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao” (Nguyễn Du) . Tóm lại từ suối tóc mềm mượt, tha thướt của em đã được buông dài, thả rộng thành một vầng mây đẹp vây quanh em. Em ở trong áng mây đó như một tiên nữ với đầy đủ phẩm chất của người phụ nữ Việt nam: đẹp người, đẹp cả tâm hồn.
                
Quê hương bao giờ cũng trĩu nặng trong lòng em:
 
Xa quê chín khúc ruột mềm
Giấu trong tay áo niềm tin trở về
Vẫn em, áo, với tóc thề
Nghìn xa vẫn một tình quê đậm đà
                 
“Xa quê chín khúc ruột mềm/ Giấu trong tay áo niềm tin trở về”. (Có phải nhà thơ định nói “Xa quê chín khúc ruột mềm” là xa quê Việt nhớ đến dòng Cửu Long chín cửa? Hay xa quê Việt nhớ nơi có ông bà cha mẹ ta, nơi ta nhớ mẹ với chín chữ cù lao? Hay còn ý nào khác nữa?) Nhưng theo tôi có lẽ “chín” ở đây không phải là số từ mà là tính từ. Ca dao cũ có câu “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Từ “chín” ở câu ca dao là tính từ nói lên nỗi nhớ nhung làm chín cả buổi chiều. Vậy thì “em” xa quê nhớ quê lắm, nhớ đến độ “chín khúc ruột mềm”. Đó là nỗi nhớ không có từ nào hay hơn sâu hơn thế! “Niềm tin trở về” được giấu trong tay áo. Đó là hình ảnh rất thơ, rất mộng. Bởi lẽ áo dài là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. “Vẫn em” đã được khái quát bằng hai chi tiết “áo”, “tóc thề”. Hai chi tiết nêu bật được vẻ đẹp truyền thống đậm đà của người con gái Việt Nam.
              
Bài thơ khép lại:

Đã đành xa vẫn còn xa
Áo em vẫn nét  mượt mà Việt Nam!
              
“Đã đành” một sự cam chịu khi việc đã rồi, tưởng như chẳng còn hi vọng gì nữa, bởi lẽ “Xa vẫn còn xa”. Còn xa lắm biết đến bao giờ mới được gần? Nhưng chỉ cần nhìn thấy bóng dáng áo dài là đã thấy quê hương.
                
“Vẫn là em bên này biển rộng” là bài thơ lục bát thành công về nội dung và nghệ thuật. Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng của chiếc áo dài Việt Nam, có thể là “áo dài”, “áo em”, “tà áo”, “tay áo”. Đó là nét phác thảo để thi phẩm “Thi trung hữu họa”. Có thể đôi chỗ của thi phẩm còn bị ép vận. Nhưng không vì thế mà bài thơ kém hấp dẫn. Nó giống như dòng sông có thác, có ghềnh, nhưng đó chỉ là những vết gợn không sao ngăn được dòng chảy từ nguồn về biển cả. Điệp từ “vẫn” được gài lồng trong hai khổ thơ đầu và hai khổ thơ cuối .Việc đó không làm cho thi phẩm thô nhạt mà lại làm cho ý‎ thơ đậm đà hơn, duyên dáng hơn, khẳng định hơn về tình cảm đối với quê nhà của “em”. Bài thơ đã nói được nỗi lòng của người “dù đã bên ngoài quê hương” nhưng trái tim vẫn gửi về xứ sở.  
                
Cảm ơn nhà thơ Trần Kiêu Bạc đã cho tôi được thưởng thức một bài thơ hay.
                                                                                 
Ngày 15.05.2015
Người bình: Vương Bảo
                                                                          



No comments:

Post a Comment