Saturday, July 3, 2010

Tâm Tình World Cup 2010


   


  PM _ THANH DƯƠNG       

Mạn phép qúy huynh trưởng LTPK ....   



     Mỗi lần có World Cup là Ông Táo nhà tôi được nghỉ phép. Chính phủ Anh tuyên bố là hệ thống kinh tế sẽ bị tê liệt trong khoảng thời gian có World cup thì nhà tôi cũng vậy. Cả tháng trước khi World Cup bắt đầu là Thầy tôi và tôi đã bàn bạc và theo dõi in ra tất cả lịch trình các trận đấu, bàn với nhau về đội này cầu thủ nọ, điện thoại tối ngày chỉ để nói chuyện World Cup và đếm từng ngày cho tới khi khai mạc. Giờ đá banh là tôi không đi ra khỏi nhà và không trả lời điện thoại. Vừa xem vừa lên mạng để đọc những lời bình phẩm, khi nào có cú nào trọng tài thổi không vừa ý hay không hiểu rõ thì điện thoại hỏi Thầy tôi, kết thúc trận đấu rồi thì đoán xa đoán gần về những trận sắp tới vì dù sao tôi đã mang tiếng là “soccer Mom”!:



     Cái vụ mê đá banh này có lẽ có từ trong máu. Là con gái của một người mê đá banh, cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài và ông bầu, từ nhỏ đến lớn tôi thấy chuyện thích chơi đá banh và mê coi đá banh là thường tình. Lúc nhỏ chơi đá banh không giày không vớ bay cả móng chân sứt cả đầu gối xây xát mặt mày chỉ là chuyện nhỏ đối với tôi, dù là nữ nhi ! Tôi lớn lên không nhìn đời qua lăng kính màu hồng màu xanh như những cô gái khác, mà nhìn đời qua vòng tròn của trái banh. Thấy đời toàn vẹn, đầy đặn quá, nhưng rồi tôi cũng bị đá lăn lóc và xoay tròn theo vòng quay của nó.
     Tôi nhớ hoài những chuyện về đá banh ở Pleiku ngày xưa. Hồi đó tỉnh mình có một đội banh rất hay. Ty Thanh Niên thường hay tổ chức những trận đấu giao hữu với đội banh các tỉnh khác hay nước ngoài. Trong đội banh Pleiku có nhiều cầu thủ đẹp trai và đá giỏi nhưng lâu quá rồi nên tôi không nhớ hết tên. Chỉ nhớ một người vì những cú đá ngã bàn đèn tuyệt vời của anh. Đó là anh Tuấn, một cầu thủ được ưa chuộng của Pleiku và của phường Yên Đổ. Bắt đầu năm học lớp mười, trường thường đưa một đội nữ sinh, trong số đó có tôi, đi tặng hoa cho mỗi trận đấu giao hữu. Khi các đoàn nước ngoài đến thì có hơn 20 cô nữ sinh áo dài trắng mang hoa ra tặng trọng tài và cầu thủ. Một hình ảnh rất đẹp mắt mà có lần đã làm cho mấy anh cầu thủ Cuba cảm động và nổi hứng sản “hug” các cô. Những trận giao hữu trong nước thì thường là ba cô đi tặng hoa cho trọng tài và hai thủ quân mà tôi không khi nào vắng mặt. Xong việc bắt tay bắt chân rồi thì bọn tôi được ngồi xem trên khán đài. Suốt mấy năm như vậy tôi đã được thưởng thức tất cả những trận giao đấu của đội banh tỉnh nhà. Khi không còn đi học nữa thì mua vé đi coi nhưng khổ nổi mua vé coi không đã bằng coi cọp. Những buổi chiều cuối tuần có đá banh thì mấy con đường chung quanh sân vận động, đường Quang Trung và đường Yersin, và con đường hẻm nối từ Quang Trung qua Yersin, đầy nghẹt những xe và người. Xe lớn, xe nhỏ, xe cam nhông, xe ba bánh, xe hai bánh... Người ta leo lên mui xe hay đứng trên yên xe Honda, thậm chí leo lên mái nhà và lên cây nữa. Những cây cao chung quanh sân vận động đều có nhiều người đu tòng teng trên đó. Nhiều lần, tôi đã leo lên mui xe lam để coi cùng với một số anh chị thân quen. Vài lần khác tôi cũng có mặt trên mái nhà của một người bạn trong đường hẻm để “coi cọp” các trận cầu. Ôi những kỷ niệm có một không hai về đá banh không bao giờ quên và cũng không tìm thấy được ở nơi nào!
     Khi tiếng còi trọng tài vang lên thì trận đấu bắt đầu. Thật lạ kỳ, khi quả bóng tròn bắt đầu lăn, thì những sinh hoạt như ngừng lại. Mọi người nín thở chăm chú theo dõi đường đi của trái bóng. Những tiếng hò reo vang dội cất lên cùng một lượt khi lọt lưới cũng như khi suýt hụt ra ngoài. Mỗi một trận banh lúc nào cũng giống nhau, 20 người giành giựt một trái banh, chạy qua chạy lại, chạy lên chạy xuống, dữ dằn thì đá nhau chí tử, thúc cùi chỏ, lên đầu gối, đốn giò, chặt cổ mổi khi có dịp, hiền hơn một chút thì xô đẩy, lôi kéo, nắm tay, gác chân, kéo áo, giật quần, mưu kế nữa thì gài việt vị hay gỉả đò té ngã trong khung thành….,nhưng khi xong rồi thì lại bắt tay, vổ vai nhau. Hình ảnh “đẹp” nhất là cởi áo trao đổi cho nhau, lúc đó tha hồ cho các cô các bà ngắm nhìn những thân hình vạm vỡ rắn chắc mà các đấng lang quân chẳng làm sao bì được! Trận đá banh nào cũng làm cho người ta chia phe chia đảng, nhưng khi hết rồi thì lại vui vẻ xuề xòa với nhau. (Xin miển bàn đến những người lợi dụng trận banh để cá độ hay gây gổ nhau.) Cũng bằng tiếng còi của trọng tài, trận đấu chấm dứt, trái bóng ngừng lăn, cuộc sống lại tiếp tục quay cuồng trở lại nhịp điệu cũ. Có món chơi nào có thể qui tụ được số lượng người xem nhiều như vậy và làm cho hầu như cả thế giới theo dõi?
     Từ hồi nào đến giờ tôi không bao giờ bỏ qua World Cup. Có năm những trận đấu được truyền hình vào lúc nửa đêm về sáng, tôi cũng thức cả đêm để coi. Lần World Cup trước, họ chiếu hai trận cùng một giờ, tôi đã mang hai cái TV ra để gần nhau và gắn dây cable để coi cả hai trận một lần. Cứ bốn năm một lần tôi được công khai nghỉ nấu ăn mà có lý do chính đáng. Chồng tôi thấy vợ mê quá cũng mê theo và đồng ý ăn cơm tay cầm trong gần cả tháng trời. Coi đá banh tôi cũng reo hò theo với người tường thuật trong đài truyền hình, nhiều khi con từ ngoài sân chạy vào nói,
     - Mẹ la to quá hàng xóm cũng nghe được tiếng Mẹ!
     - Thì đã sao, mẹ coi đá banh mà.
    Ngày xưa chị em tôi đi coi đá banh, cũng la hét và đã có lần vổ đùi vổ vế người bên cạnh mà không biết! Hôm nọ con tôi có hỏi,
     - Mẹ ơi, có đội banh của nước Việt Nam không?
    Tôi chỉ biết trả lời,
     - Năm này chưa nhưng có thể lần tới sẽ có.

     Mùa Phục sinh thì có tâm tình mùa chay, mùa Giáng sinh thì có tâm tình mùa vọng, mùa đá bóng thì tôi có chút tâm tình World Cup xin chia xẻ. Còn vài trận nữa là hết World Cup năm nay. Tôi sẽ chờ mỗi bốn năm để xem World Cup một lần và cũng sẽ chờ cho đến khi nào Việt Nam có một đội tuyển tham gia với nước người. Có lẽ sẽ tuyệt vời hơn nếu có một vài cầu thũ của Phố Núi thân thương mình!





     PM_ Thanh Dương
     2010 World Cup