Thursday, June 13, 2013

Nhạc Sỹ Hoàng Châu




Khóc Thầy


Để tưởng nhớ Thầy Trần Hoàng Châu (1929 - 2013)



Nhạc sỹ Hoàng Châu
Người thổi sáo bằng mũi
trong khi có thể hút thuốc bằng mũi bên kia và miệng



1.
Cuối tuần rồi, mãi đến chiều Chúa Nhật tôi mới được tin thầy đã ra đi... Vửa kịp lúc đi lễ chiều, tôi dành buổi lễ cầu nguyện cho thầy của tôi. Không biết tại sao có sự trùng hợp, Đức Ông giảng về chuyện lễ đám tang. Trong bài giảng, tôi nghe Đức Ông nói,

 
- Tôi có dịp dự nhiều lễ tang, và mỗi lễ tang có phần đọc Eulogy - bài điếu văn. Trong bài ấy thường nói về những điều tốt đẹp của người qua đời. Tôi nghĩ rằng, tại sao chúng ta chờ đến khi người ta nằm xuống rồi mới khen tặng, mới ca tụng họ? Tại sao chúng ta không nhắc đến những điều tốt đẹp ấy khi người ta còn sống trên đời???
 

Tôi đang nghĩ về Thầy Hoàng Châu, về cuộc đời thầy. Và bên tai nghe lời Đức Ông giảng... Tôi thấy đúng như vậy. Con người mình có điều lạ, thường ít khi khen tặng hay lên tiếng về những điều tốt đẹp người khác làm trong hiện tại. Chỉ chờ đến khi người ta mất đi thì mới vội vàng lên tiếng khen hay nhắc lại những chuyện tốt họ đã làm khi sinh thời.



2.
Vậy là thầy đã ra đi. Thế là hết những lúc lo lắng không hiểu Thầy lúc này bệnh tình ra sao... Thế là hết những lần thắc mắc không biết có ai giúp thầy trong lúc cần thiết...


Tôi đến với thầy khi thi đậu vào lớp sáu trường Nữ Pleime. Quà thưởng của tôi là một cây đàn mandoline và những bài học đàn từ thầy. Từ những ngày đầu tiên, thầy đã như một người cha người chú của tôi. Tôi làm quen với những nốt nhạc, những bài hát khi đến học tại nhà. Thầy chỉ cho tôi cách cầm phím đàn làm sao, cách rung tay như thế nào để cho đúng cách đàn mandoline. Tôi không bao giờ quên được bài đầu tiên thầy cho tôi tập là bài Dừng bước giang hồ với 7 khung nhạc dạo trước khi vào giòng nhạc chính. Thầy chỉ cho tôi điệu pasodoble trước khi cho tôi tập bài La Paloma... và nhiều những bài khác. Thời gian sau, khi thấy thầy chơi harmonica, tôi cũng tỏ ý muốn biết. Ở nhà tôi lại được cho một cây kèn harmonica mới toanh còn trong hộp. Tôi mang đến nhà thầy và thầy chỉ cho tôi thổi mà không hề có chuyện tiền bạc gì cả.


Khi vào học ở Pleime, tôi không nhớ rõ đến lớp nào thì có giờ nhạc của thầy. Tôi không được học vẽ với thầy nhưng tôi biết thầy dạy vẽ ở trường Phạm Hồng Thái. Khi tôi được giao trách nhiệm làm tờ bích báo đầu tiên của lớp, tôi mang đến nhờ thầy vẽ cho tôi. Thật lạ lùng. Lúc đó, lương tiền thầy giáo không có bao nhiêu, vậy mà thầy vui vẻ nhận lời và đã bỏ ra không biết bao nhiêu giờ để vẽ cho tờ báo tên Ươm Mơ của lớp tôi. Thầy trang hoàng hết tờ giấy croquis với màu nước và những hình ảnh đẹp. Tôi còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện tiền bạc và đã không biết đến chuyện thầy bỏ tiền túi ra mua màu vẽ cho tờ báo lớp tôi, chưa kể tốn thời gian của thầy nữa. Mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn còn áy náy về chuyện này.


Những năm trung học tôi thường được đi tập hát với thầy khi trường có văn nghệ. Chúng tôi - gồm có tôi và các bạn trong lớp - phá thầy nhiều hơn là tập hát. Lần đó, thầy dạy cho bài hợp xướng, Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy, thay vì hát,


... Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng ...
thì cả bọn chế thành: 


...thò trong túi quần, một đồng xu không có
   có hai hòn, một hòn xanh hòn đỏ....

và cả bọn cứ lập đi lập lại những câu hát đó cho đến khi thầy giận không thèm tập hát nữa mới ngừng ....


Lần khác, khi thấy thầy đánh nhịp mà hai túi quần thầy nặng trĩu, không biết thầy để những gì trong đó, bọn tôi không nhịn cười được và cứ khúc khích mãi...  Chưa hết, tôi và Quỳnh My còn bày trò viết hàng chữ "Quần Bán Hỏi Người Mặc" trên tờ giấy dán sau lưng thầy. Khi thầy đánh nhịp, cả bọn chỉ cười chứ không tài nào tập trung. Thầy la nhiều lần không được, bỏ đi về. Cả bọn ngồi nói chuyện chờ thầy trở lại... Một lát sau, thầy lại đón xe thồ lên trường và vào tập hát ... Lúc ấy, con nít, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình làm thầy tốn kém thì giờ và tiền bạc... 

Mấy mươi năm qua, tôi vẫn nhớ mãi lúc thầy tập cho người solo bài hợp xướng Đợi Anh Về, trong đó có câu: Em ơi... đợi anh về em nhé... Thầy đã nắn nót sửa tới sửa lui cho đến khi hoàn hảo... 

Buổi trưa tôi thường ở lại trường vì nhà xa đi bộ về rồi quay đi lại chả bỏ công. Một lần tôi đang ngồi trong phòng học, hình như lớp tám thì phải, thầy đi vào. Thầy cũng ở lại trường để chiều tập hát cho buổi văn nghệ. Thầy bảo tôi đi xuống nhà bác Miên - người bán chè và nước trong giờ ra chơi ở trường - nhờ bác ấy làm hai tô mì gói cho thầy. Tôi hơi thắc mắc, tại sao thầy gọi hai tô. Đến khi mì mang lên, thầy bảo tôi ăn. Thật cảm động, tuy chỉ là một tô mì gói, nhưng tôi nhớ hoài. Mà lúc ấy, chung quanh trường có gì khá hơn để mua ăn vào buổi trưa? Mì gói là quý lắm rồi.
 

Thầy như thế nhưng trong giờ học, tôi vẫn cùng bạn bè chọc phá thầy... Thầy có la và bắt phạt qùy trên bàn, hay qùy trước cửa lớp, chúng tôi vẫn không sợ. Sao hồi đó chỉ thích phá phách mà không nghĩ gì xa hơn. Tuy nhiên bao giờ tôi cũng học thuộc bài chứ chưa khi nào bị điểm xấu.


Từ khi vào trường Nữ Pleime, tôi phải mang áo dài trắng đồng phục. Tất cả các áo dài của tôi đã từ bàn tay của cô vợ thầy Hoàng Châu may, lúc đó là nhà may Mộng Lan. Tôi nghe nói có những nơi khác may áo dài đẹp hơn nhưng tôi vẫn thích mang vải đến nhờ cô may cho tôi. Đối với tôi, những chiếc áo cô Mộng Lan may là đẹp và vừa ý nhất. Sau năm 75, cô phải đi buôn bán xa nên chuyện may vá ít đi. Tôi vẫn mang vải đến nhờ cô may áo dài mỗi khi có dịp. Chiếc áo dài cuối cùng cô may cho tôi là một chiếc áo màu vàng, tôi mang đi lễ nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, để thấy chỉ có mình là người duy nhất mặc áo dài đi lễ thời gian đó.

Sau khi nghĩ học, tôi lại muốn học đàn guitar và dành dụm để mua một cây đàn mang đến học với thầy. Những tháng ngày này buồn bã, không còn vô tư như trước. Những bài nhạc tập tành cũng chỉ là những bản mang âm điệu buồn chứ không còn rộn rã vui tươi... Thầy thường đăm chiêu, ít nói, và hút thuốc nhiều hơn. Nhiều buổi tôi đến nhà, chỉ ngồi chơi với các em mà không tập đàn bao nhiêu. Dần dần tôi cũng không còn đến học đàn với thầy nữa vì có nhiều thứ khác cần phải làm... 


Khi tôi rời Pleiku, thầy đang ở Sài gòn. Tôi không có dịp gặp thầy một lần nào nữa. Mấy mươi năm xa nhà, thỉnh thoảng tôi có nghe tin của thầy. Năm 2010, tin thầy bị tai biến nặng. Tôi liên lạc và thầy có gửi thư cho tôi. Thật là xúc động khi thầy đang đau bệnh mà cố gắng viết thư. Thầy gửi tặng tôi bài nhạc thầy mới sáng tác và hình của Thầy. Đó là bức hình sau cùng tôi có.




Trước đây, khi nói chuyện với Quỳnh My, bọn tôi còn cười đùa khi nhắc đến chuyện chọc phá thầy cô, trong đó chuyện của thầy Hoàng Châu làm bọn tôi cười nhiều nhất... Bây giờ thầy đã không còn nữa....


Thầy ơi, con đã học được niềm đam mê âm nhạc ở thầy ngay từ khi thầy dạy con những nốt nhạc đầu tiên, nhưng con đã không có được cái ý chí theo đuổi âm nhạc như thầy, vì con đã bỏ dở dang tất cả những món đàn con học. Hôm nay đây, ngồi viết lại những kỷ niệm với thầy, con rất tiếc vì đã không tiếp tục theo đuổi cho đến nơi đến chốn những điều thầy dạy con từ bước khởi đầu. Con xin tạ lỗi với thầy. Thầy mãi mãi là một người thầy kính yêu của con.



Tôn Nữ Thanh Dương
12 tháng 6 năm 2013



No comments:

Post a Comment