Tuesday, June 30, 2015

FIFA WOMEN'S WORLD CUP CANADA


Jessica Samuelsson of Sweden warms up prior to the FIFA Women’s World Cup Canada 2015 Group D match between Sweden and Nigeria at Winnipeg Stadium on June 8, 2015 in Winnipeg, Canada. (Photo by Kevin C. Cox/Getty Images)






THÊM CHUYỆN FIFA WOMEN'S WORLD CUP




Chiều nay, hai đội banh nữ Mỹ và Đức gặp nhau. Hai đội banh nhất nhì thế giới, rất tiếc không được đấu ở chung kết mà lại đối đầu ở bán kết. Và như vậy sẽ có một đội không còn hy vọng giữ ngôi hạng nhất hay nhì nữa.

Từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng khi chia các đội banh vào từng nhóm, người ta bốc thăm để có sự công bằng vô tư cho đồng đều. Nhưng tôi đã nhầm. Cái gọi là FIFA - chữ tắt của Fédération Internationale de Football Association - đã xếp hạng cao thấp cho các đội banh và chia họ thành từng bảng khi làm chương trình cho giải Women World Cup. Tất cả các việc phân ngôi thứ và chia bảng, cũng như lựa sân cho các trận banh của FIFA không ngoài mục đích câu khách đi xem, bán vé được nhiều và người xem TV đạt mức tối đa. Tôi đọc được vài bài viết về vấn đề này ở đây: SI's article

Và như thế, trong giải Women World Cup, FIFA đã chọn các đội hay cho gặp nhau, không phải chỉ đơn thuần để các cô tranh tài cao thấp mà chính là phục vụ cho mục đích thâu lợi nhuận một cách tối đa của liên đoàn bóng tròn thế giới. Các trận banh càng gay cấn, FIFA thâu vào càng nhiều.

Chiều hôm nay, Mỹ và Đức gặp nhau. Các cô cầu thủ Mỹ đã vượt qua bảng tử thần, đương đầu với các đội mạnh. Đội banh Đức chỉ gặp trở ngại khi đấu với Pháp, mấy trận trước đó quá dễ dàng. Khó đoán được mèo nào cắn mỉu nào vì bên tám bên mười. Nếu đá như Đức với Pháp thì bên nào hên, bên đó đi vào chung kết.


Có ít nhất ba điều không công bằng khi nói đến FIFA Men World Cup và FIFA Women World Cup.

Thứ nhất: các cầu thủ nữ không được lãnh lương nhiều như cầu thủ nam. Số tiền các cô kiếm được chỉ khoảng 1% - 3% so với tiền của đội banh nam. (Germany lãnh 35 triệu đô khi đoạt giải vô địch World Cup Brazil, Japan khi đoạt giải vô địch Women World Cup 2011 chỉ lãnh được 1 triệu đô). Đọc thêm ở đây.

Thứ hai: chia bảng trong chương trình chơi, FIFA không chia nhóm các đội banh nam như đã làm với các đội banh nữ.

Thứ ba: cỏ giả và cỏ thật. Bắt đầu giải Women World Cup này, tôi đọc thấy FIFA không công bằng với chuyện cỏ giả. Các cô nữ cầu thủ đặt câu hỏi, tại sao FIFA Men World Cup chơi trên sân cỏ thật mà FIFA Women World Cup lại phải chơi trên sân cỏ giả?
 

Thêm một chi tiết nữa, FIFA xếp cho hai đội banh đấu với nhau ở cùng một khách sạn. Các nữ cầu thủ đã rất khó chịu khi ra vào khách sạn cứ phải chạm mặt đối phương. Tối hôm qua, đội banh Mỹ và Đức đã ở cùng một nơi, và các trận trước của các đội banh cũng vậy. Đội banh Đức ở cùng chỗ với Pháp, với Sweden... Đội banh Mỹ ở cùng nơi với đội Australia, vv... Họ đã ở trong những tình trạng khó xử khi một bên thắng một bên thua mà ra vào thang máy hay phòng ăn cứ đụng mặt nhau. Chẳng hiểu các quan chức FIFA nghĩ gì?


Ở bất cứ thời đại nào, trên bất kỳ phương diện nào, chuyện trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại. Lần này mấy vị lãnh đạo của FIFA đi tù, không hiểu có gì thay đổi cho tốt hơn đối với các đội banh nữ?


Tôn Nữ Thanh Dương
Jun 30, 2015





No comments:

Post a Comment