Tuesday, June 10, 2014

Cảm Nhận về thơ TRẦN KIÊU BẠC




CẢM NHẬN VỀ MỘT BÀI THƠ CỦA TRẦN KIÊU BẠC

Mỗi năm vào chủ nhật tuần thứ hai của tháng bảy là chúng tôi họp lớp  - Bạn ĐHSP Saigon. Chương trình luôn gồm phần sinh hoạt với các tiết mục thơ, văn và trao đổi bài sưu tầm về các đề tài sức khỏe, cuộc sống… Năm rồi, gặp nhau tại Saigon vào ngày 14/7.  Ông xả của bạn lớp phó đã in vi tính và phát cho chúng tôi mỗi người 5 tờ giấy A4, trong đó có vài nội dung và bài thơ “Những chiếc ghế còn bỏ trống” của nhà thơ Trần Kiêu Bạc.
Với giọng đọc diễn cảm của một giáo viên Văn trường cấp 3, ông xả bạn (áo đỏ) đã đưa chúng tôi đến với thơ Trần Kiêu Bạc qua bài “Những chiếc ghế còn bỏ trống”, loại thơ 7 chữ và gồm 11 khổ. Ý thơ giàu cảm xúc, hòa nhịp với tâm trạng của những người hiện diện sau những ngày tháng tất bật với cuộc sống để rồi, trong ánh mắt ban đầu chúng tôi đã cảm nhận được những điều nhà thơ TKB tinh tế trình bày :
Nhìn nét thân quen từng khuôn mặt
Đã thấy đổi thay giữa cuộc đời

Năm 1977 khi ra trường, chỉ vài bạn ở Saigon, còn đa số nhận nhiệm sở xa, điều kiện gặp nhau của những năm về trước không phải dễ dàng. Mãi gần mười năm sau, anh lớp trưởng và bạn lớp phó đã tập trung được bạn cũ nhưng chưa đến mười người. Rồi mỗi năm, khi có người này, lại không có người kia. Do điều kiện về kinh tế, môi trường sống và sức khỏe… Những chiếc ghế còn bỏ trống hầu như năm nào cũng có và niềm vui của ngày họp mặt thường không trọn vẹn:

Ly rượu mừng nhau vơi phân nửa
Chìm tận đáy ly những khóc cười
Thủy tinh trong suốt qua tầm mắt
Rượu một dòng lại chảy nhiều nơi

Lời thơ của TKB mộc mạc, đơn giản, nhẹ nhàng nhưng chạm sâu vào trái tim của từng người với nỗi buồn vắng bạn trong những lần hội ngộ. Một sự tiếc nuối và lạc quan trong thi phẩm đã làm cho bài thơ thêm nồng nàn và giàu hình ảnh:
Dẫu biết ngàn năm sông vẫn chảy
Một bờ sông lở, một bên bồi
Vẫn nghe trong đám phù sa ấy
Một dây thân ái đã đâm chồi

Bài thơ “Những chiếc ghế còn bỏ trống” của nhà thơ TKB đã đến và để lại trong tôi nhiều cảm xúc vào dịp đó. Tôi xin chân thành cảm ơn nhà thơ đã nói hộ tâm trạng của chúng tôi, khi thiếu vắng bạn mình trong những lần gặp gở. Bài thơ, còn là một thông điệp giúp tôi nhìn lại chính mình với những điều đang xảy ra và cần phải làm gì để không luyến tiếc về sau trong các mối quan hệ.
Ông xả cô bạn đã đọc bài thơ trong không gian yên tĩnh với sự chăm chú lắng nghe của nhiều người. Sau đó, nhiều bạn đã nêu lên cảm xúc của mình với sự khâm phục chất thơ trong tâm hồn thi sĩ. - Hôm ấy, tôi có vẻ huênh hoang và bảo - Nhà thơ đã có thời gian công tác ở Pleiku, là thành phố tôi đã học hết bậc Tiểu học và Trung học. Hiện, nhiều bài thơ của anh đang được post trên trang web LTPNPK và tôi giới thiệu địa chỉ trang web. - Có bạn hỏi: Tôi và nhà thơ quen nhau?... Tôi không quen nhà thơ và chưa từng gặp ngoài đời, nhưng với bút danh Trần Kiêu Bạc đối với tôi rất là gần gũi vì tôi đã đọc nhiều bài thơ của anh trên web LT.

Kể từ hôm đó, tờ giấy A4 có bài thơ “Những chiếc ghế còn bỏ trống” đã được tôi lưu giữ làm kỷ niệm. Mãi đến thời gian gần đây. Khi đọc lời giới thiệu của anh Cửu Dũng trên trang web LT về tâp thơ “Qua dấu bụi thời gian” của nhà thơ TKB và thông báo ai muốn có tập thơ, xin liên hệ. Tôi cảm thấy phân vân, muốn thì rất muốn, nhưng từ bên ấy chuyển về thật là ngại. Tôi sợ làm phiền anh CD, bởi anh  bận rộn rất nhiều công việc và đường dây kiểm duyệt bên này không biết ra sao. Nếu, anh CD gởi, mà tập thơ bị mất thì thật là tiếc. Nhưng may mắn, “Qua dấu bụi thời gian” đã về đến tôi và vài bạn khác.
Cảm ơn nhà thơ và anh CD đã giúp tôi có thêm cơ hội đọc lại nhiều lần bài “Những chiếc ghế còn bỏ trống” (trang 48 - 50), cùng nhiều bài khác của tác giả, về mẹ, về Pleiku, về kỷ niệm và cả những tháng ngày sống trên đất khách… Trong phạm vi bài viết này, tôi xin mạo muội ghi cảm nhận về một bài thơ khi chúng tôi - những người bạn học trường Sư phạm - đã được cùng nghe. Đối với tôi, cảm xúc đọc lại bài trong tập thơ vào lúc này, càng sâu lắng hơn so với lần được nghe hôm họp lớp. Có lẽ, khi đó chúng tôi không có nhiều thời gian để cảm nhận hết sự sâu sắc của bài thơ. Còn bây giờ, tôi đọc thơ anh chậm rải trong căn phòng yên tĩnh và bên ngoài là tiếng rả rích của cơn mưa. Những cơn mưa thấm sâu vào nỗi nhớ và ý thơ của tác giả đã tạo nên một khoảng không gian bao trùm giữa niềm vui, nỗi buồn và sự trống vắng - Cuộc sống thay đổi, từng mùa thay đổi, cái nóng lạnh của đất trời lại len lén vào tim, nhà thơ đã cảm nhận và viết :

Ngợp trời mùa Hạ hoa rung nắng
Lại chớm mây Thu xám đất trời
Biết đâu sẽ ập mùa Đông đến
Để lá bay theo những ngậm ngùi

Tình bạn giữa những người cùng học, cùng làm… rồi với những thăng trầm của cuộc sống, người nơi này, kẻ nơi khác, thậm chí có bạn đã qua đời và tính đến nay đã hơn mấy mươi lần họp mặt, nhưng lớp chúng tôi vẫn chưa đủ bao giờ…

Chỉ thương chiếc ghế còn bỏ trống
Bạn không về nữa biết ai ngồi
Biết đến khi nào mà hò hẹn
Hay là tay trắng sẽ buông xuôi?



Đọc đến đoạn thơ này, tôi cảm thấy nghèn nghẹn, bởi những điều tác giả viết chính là thực tế của cuộc đời. Tạo hóa xoay vần, sinh lão bệnh tử, cát bụi trở về cát bụi và biết đâu ngày nào đó, tôi cũng là người bỏ lại chiếc ghế trống mà thôi !...
Với bài thơ 11 khổ, tác giả kết lại ở 4 câu với tâm trạng buồn và những hình ảnh vô cùng lặng lẽ :

Tôi viết bài thơ buồn độc vận
Như một mình giữa bóng trăng soi
Tôi nhặt miếng trăng rơi xuống cỏ
Kết nên tình bạn sáng muôn đời.

Một lần nữa, xin cảm ơn nhà thơ TKB và anh CD đã chuyển về tặng tôi tập thơ. Đó là món quà quí về tinh thần, giúp tôi có thêm nhiều bài thơ để đọc và cảm nhận. Thơ anh TKB là tiếng lòng thổn thức, rung động xoay quanh cuộc sống đời thường, đã được anh diễn tả với ngòi bút dung dị nhưng sâu lắng và tha thiết. Thơ của anh đúng như lời anh đã viết “Thơ trong máu thịt”, là tiếng nói của một người giàu tình cảm đối với mẹ, quê hương, bạn bè… Đọc thơ anh, tôi học hỏi được rất nhiều điều. Riêng các bài thơ được post trên web LTPNPK, ngoài học hỏi từ thơ anh, tôi còn học hỏi được công trình của các tác giả làm PPS, Video Clip, được nghe giọng ngâm khi trầm khi bổng và truyền cảm của nghệ sĩ Hồng Vân, càng đưa thơ anh bay xa đến rất nhiều người với sự kính phục và trân trọng.

Nguyễn Hoàng Đào
12/5/2014


No comments:

Post a Comment