Friday, September 20, 2013

Tiếng Việt Giàu




Tiếng Việt Giàu




Tiếng Việt giàu.
Tôi chỉ muốn nói đến sự phong phú của tiếng Việt trong một lãnh vực nhỏ. Danh xưng.
Đây là một điểm đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam, là điều để cho thấy rõ sự khác biệt đối với các ngôn ngữ khác. Người mình có sự tôn ti trật tự ngay từ trong lối xưng hô, phân biệt vai vế đàng hoàng.

TIếng Việt khi đối thoại, có nhiều cách xưng hô để chọn lựa tùy theo vai vế lớn nhỏ.

Khi mình là ngôi thứ nhất, có thể xưng là tôi, anh/chị/em, con/cháu, ông/bà, cô/chú/bác, mình, tớ, qua ...

Khi nói với người đối diện, có thể gọi họ là ông, bà, cô, chú, bác,
anh, chị, em, bé, bạn, cậu, đằng ấy ...


Gần đây tôi có nhận được những câu chào hỏi từ một vài người quen trong các diễn đàn. (Tôi rất ghét chữ thế giới Ảo nên tôi sẽ không dùng chữ đó ở đây.) Họ gọi tôi như thế này, khi chat với nhau qua gmail hay yahoo messenger, hay khi gọi qua điện thoại:

- Chào Ui, Ui khỏe không?

- Ui Ui ơi, đang làm gì đó?

- Ơi nè, có gặp chút hông?

- Ơi ơi, lạng nét ít thôi nhé ...


Dĩ nhiên những câu chào trên đây từ những người bạn đã coi như thân thiết. Đối với người mới quen thì có lẽ không ai dám gọi người khác một cách thân mật như thế.

Ngôn ngữ Việt Nam quá phong phú, một khi đã khi thân mật, người ta có thể tự chọn cho mình những danh xưng có vẻ như là vô nghĩa với người khác nhưng người trong cuộc lồng vào đó ý nghĩa riêng của mình và làm nó trở thành một danh xưng mới. Ít ra cũng có ý nghĩa giữa hai người đối thoại, khi họ đồng cảm.


Bên lề chuyện danh xưng, còn có chữ dùng với ý nghĩa trái ngược. Tôi không dám rộng bàn nhưng chỉ muốn nói ở đây một chữ thôi: đó là chữ GHÉT.

Khi còn đi học, khoảng chừng lớp 6, lớp 7, bọn con gái thường hay giận hờn nhau. Và câu nói đầu môi là,

-Tao ghét mày lắm, tao không chơi với mày nữa.

Đứa con gái kia không biết phải trả lời sao, đành nói ngang xương để chọc tức bạn,

- Ghét là thương hai lần đó, mày có biết không?

Mới gần đây, tôi cũng thường xuyên nhận được chữ GHÉT trong email hay trong lúc chat... Không biết mình làm gì để bị ghét, tôi dở bổn cũ soạn lại,

-Ghét là thương hai lần đó, anh có biết không?

Và thế là từ đó, người ta cũng dùng chữ GHÉT với ý nghĩa mới, thương hai lần ... ĐIều đáng để ý ở đây, cái nghĩa THƯƠNG hai lần này (giữa một người nam và một người nữ), hoàn toàn khác với cái nghĩa Thương trong câu nói của bọn con gái nhỏ ngày xưa !

Mong ai đó, khi dùng chữ ghét nên cẩn thận một chút. Không khéo lại mang họa.



Nguyệt Hạ
 
10/12/12


No comments:

Post a Comment